Chị Nguyễn Ngọc Bích (34 tuổi, Long An) cho biết con trai 6 tuổi từng mắc sởi vào năm 2019 do chưa tiêm vaccine. Ban đầu, bé bị sốt, ho, sổ mũi kèm mệt mỏi, phát ban, đốt ngón tay sưng, biến chứng viêm phổi nên phải nhập viện. Hiện bé đã khỏi bệnh nhưng thường bị ho, mệt mỏi khi trời trở lạnh. Nghe lời khuyên của bác sĩ, gia đình chị Bích bổ sung các mũi vaccine hô hấp và đều đặn tiêm theo lịch nhắc tại VNVC.
Thạc sĩ Nguyễn Diệu Thúy, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết đã ghi nhận nhiều gia đình đến tiêm chủng và có lịch sử chủng ngừa không đầy đủ, tỷ lệ bỏ mũi cao. Ví dụ, trẻ tiêm được 1 hoặc 2 mũi trong liệu trình thì bỏ không đến tiêm nữa hoặc trẻ đã đến tuổi tiêm nhắc nhưng vẫn chưa được tiêm. Trong đó, ba bệnh sởi, bạch hầu, ho gà có thể gây ra nhiều biến chứng nặng, lâu dài dù đã khỏi bệnh.
Với bệnh sởi, biến chứng viêm tai giữa cấp tính và viêm phổi thường gặp nhất. Trong đó, viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ, cứ 20 trẻ nhiễm sởi thì một trẻ mắc viêm phổi. Biến chứng này có thể xảy ra khi đang mắc sởi hoặc sau khi khỏi khoảng một đến hai tuần, khiến nhiều bệnh nhi tái nhập viện hoặc không kịp điều trị kịp thời, tử vong sau đó.
Biến chứng khác hiếm gặp sau sởi là viêm não - màng não. Đây là biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong và di chứng cao, tỷ lệ gặp biến chứng vào khoảng 1-6 ca trong 1.000 ca mắc.
Ngoài ra, bệnh sởi có thể gây "mất trí nhớ miễn dịch" (immune amnesia) khiến cho trẻ mất từ 20-70% lượng kháng thể chống lại mầm bệnh khác, trong khi điều này không xảy ra ở trẻ đã tiêm vaccine. Đây là kết quả nghiên cứu năm 2013 tại Hà Lan của nhóm nhà khoa học Đại học Harvard. Ngoài ra, mẹ bầu mắc sởi sẽ nguy hiểm bản thân và em bé, nguy cơ sảy, sinh non, thai lưu hoặc dị tật bẩm sinh.
Đối với bạch hầu, người bệnh có thể bị biến chứng viêm cơ tim. Biến chứng này có thể xảy ra ở giai đoạn toàn phát hoặc vài tuần sau khi khỏi bệnh, dẫn đến rối loạn nhịp tim và đột ngột trụy tim mạch, tử vong khi không được điều trị kịp thời.
Nghiên cứu công bố năm 2020 của các nhà khoa học Ấn Độ dựa trên báo cáo ca bệnh từ nhiều nước cho thấy 19-68% trường hợp mắc bệnh bạch hầu phát triển viêm cơ tim khoảng một tuần sau bệnh; tỷ lệ tử vong ở các ca mắc bạch hầu cấp tính thường thấy ở những bệnh nhân bị rối loạn hệ thống xung điện điều khiển nhịp tim, hoặc người có nhịp tim nhanh.
Ho gà có thể kéo dài tới 3 tháng và thường đi kèm với triệu chứng nôn. Ở trẻ nhỏ, bệnh khiến cơ thể suy yếu, dễ dẫn tới thiếu dinh dưỡng, viêm phổi, viêm não, tăng áp lực phổi, nhiễm trùng cơ hội... Ở người lớn, ho gà thường ít biến chứng hơn nhưng vẫn có nguy cơ dẫn tới sụt cân, mất kiểm soát bàng quang, bất tỉnh, gãy xương sườn do ho nặng. Năm 2019, Hà Nội từng ghi nhận ca ho gà ở người đàn ông 43 tuổi gây thở rít, đờm trắng, các cơn ho kéo dài 5-10 phút không có triệu chứng báo trước, mỗi ngày đến hơn 8 cơn ho, khó thở, tím tái người.
Mầm bệnh ho gà cũng có khả năng gây bệnh lý ở não do tình trạng thiếu khí oxy và dẫn đến tử vong với tỷ lệ khoảng 3-5 trên 1.000 trẻ em. Đối với những trẻ dưới một tháng tuổi, nếu mắc bệnh thì thường tiến triển rất nhanh và tỉ lệ tử vong lên đến gần 90%.
ThS Thúy cho biết trước khi có vaccine, bệnh bạch hầu, ho gà và sởi thường gặp trên thế giới và tại Việt Nam với tỷ lệ biến chứng và tử vong cao. Tuy nhiên, với những nỗ lực của Chính phủ trong việc đưa vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm này vào tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ mắc đã giảm đi rất nhiều. Nhưng mầm bệnh vẫn còn đó và thành quả đạt được có thể bị ảnh hưởng do tỷ lệ tiêm chủng giảm và sự chủ quan của người dân.
Vì vậy, ThS Thúy cho rằng biện pháp chủng ngừa, phòng bệnh rất quan trọng. "Phòng bệnh hơn chữa bệnh, đừng để thêm người chịu đựng di chứng, tàn tật do những bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine hiện có", ThS Thúy nhấn mạnh.
Đối với trẻ nhỏ, vaccine có thành phần bạch hầu, ho gà, sởi rất quan trọng. Trong đó, vaccine có thành phần bạch hầu, ho gà cần chủng ngừa đúng và đủ lịch từ 6 tuần tuổi. Mũi tiêm ngừa sởi và sởi - quai bị - rubella tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Ngoài ra, phụ nữ mang thai và tiền mang thai cũng cần chú ý tiêm chủng đầy đủ để phòng bệnh cho mẹ và em bé tương lai.
Nhật Linh
VNVC có hơn 150 trung tâm tiêm chủng trên cả nước. Nhằm hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận vaccine chất lượng cao, giá cả hợp lý, VNVC đang áp dụng nhiều chương trình như miễn phí vaccine lao cho trẻ sơ sinh, hỗ trợ "tiêm ngừa trước trả tiền sau" không lãi suất đối với các gói vaccine, miễn phí khám sàng lọc, bỉm, tã tại trung tâm cùng tổng đài hỗ trợ theo dõi sau tiêm, tư vấn qua facebook, website 24/7.