Tại hội nghị ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng chống thiên tai tại Bắc Trung Bộ, tổ chức ở Nghệ An sáng 22/7, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng 2020 là "năm thời tiết dị thường". Từ sáng mùng 1 Tết Canh Tý, 7 tỉnh phía Bắc đã có mưa đá, toàn quốc đến nay đã xảy ra gần 100 đợt thời tiết dị thường (mưa đá, gió lốc, lũ quét...), gấp đôi bình quân cùng kỳ hàng năm.
Theo ông Cường, 6 tỉnh Bắc Trung Bộ tập trung nhiều sông suối, trong đó có 25 con sông dài 10 km trở lên, hơn 3.000 hồ đập. Tuy nhiên, trong 6 vùng kinh tế cả nước thì đây là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán.
Ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho hay từ tháng 5 đến nay, Bắc Trung Bộ đã xuất hiện 6 đợt nắng nóng (phổ biến 5 đến 7 ngày), đợt kéo dài nhất 14 ngày; nhiệt độ cao nhất ngày từ 38 đến 40, có nơi trên 40 độ C.
Trong tháng 6, nhiều nơi ở Bắc Trung Bộ có trên 20 ngày nắng nóng. Sang tháng 7, nắng nóng tiếp tục diễn ra, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm trên 2 độ C.
Lượng mưa tích lũy từ đầu năm đến nay phổ biến từ 200 đến 500 mm, thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ 30-60%; riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình thấp hơn 80%. "Đây là đợt nắng nóng kéo dài nhất kể từ năm 1971. Dự báo đến tháng 8 khu vực này vẫn nắng nóng song không còn gay gắt", ông Long nói.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho hay toàn tỉnh gieo cấy trên 90.000 ha lúa, tuy nhiên hạn hán khốc liệt khiến 10.000 ha thiếu nước, trong số này 4.500 ha nguy cơ mất trắng nếu 10 ngày tới không mưa.
"Trong lúc chống hạn, chúng tôi đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án để ứng phó với mùa mưa bão sắp tới. Trước mắt Nghệ An đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ hỗ trợ địa phương kinh phí chống hạn, như tiền dầu, tiền điện dùng để bơm nước cứu lúa; hỗ trợ kinh phí nâng cấp 39 hồ đập xuống cấp để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ...", ông Hiếu nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, toàn vùng vẫn còn 35% dung tích nước tích trữ, do đó cần tận dụng nguồn nước này để cứu gần 26.000 ha lúa đang hạn hán (bao gồm 10.000 ha ở Nghệ An).
Về việc 46.000 hộ dân ở Bắc Trung Bộ thiếu nước sinh hoạt, ông Cường lưu ý các địa phương bằng mọi giá "không để một hộ dân nào không có nước dùng, phương án cuối cùng là phải chở nước đến cho dân".
Theo Bộ trưởng Cường, 3 biện pháp lâu dài đối với vùng Bắc Trung Bộ là tổng rà soát cơ cấu sản xuất nông, lâm, thủy sản; bố trí cây trồng vật nuôi theo hướng thích ứng và giảm diện tích lúa ở những vùng bấp bênh, cơ cấu lại ngành thủy sản phù hợp; quan tâm phát triển kinh tế lâm nghiệp khu vực phía Tây.
Về tình hình mưa lũ sắp tới, ông Cường lưu ý từng địa phương phải chủ động các phương án bởi đây là vùng có nhiều hồ đập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra, Bắc Trung Bộ nắng nóng quá lâu nên khi gặp mưa sẽ dễ xảy ra sạt lở đất.
Nắng nóng kéo dài khiến 26.000 trong số 325.000 ha lúa hè thu và vụ mùa của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ bị thiếu nước. Hạn hán cũng làm 46.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt, Quảng Trị nhiều nhất với 30.000 hộ, Hà Tĩnh 5.500 hộ, Quảng Bình 4.500 hộ.