Thứ sáu, 22/11/2024
Thứ tư, 22/7/2020, 00:00 (GMT+7)

Hồ thủy điện cạn trơ đáy

Nghệ AnSau 8 năm vận hành, hồ thủy điện Hủa Na, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong cạn trơ đáy, lộ rõ các công trình từng chìm dưới nước như trụ sở UBND xã, trường học, lô cốt, giếng nước.

Những ngày này, mực nước hồ thủy điện Hủa Na đoạn dưới chân cầu Nậm Piệt, quốc lộ 48, chỉ cao chưa đầy 30 cm, dòng chảy rộng 10 m.

Một chiếc thuyền của người dân cột vào gốc cây dưới lòng hồ cạn. Hồ thủy điện cạn nước do Nghệ An đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài suốt hai tháng, trong khi nước thượng nguồn từ Lào đổ về thấp vì ít mưa.

Nước cạn để lộ kết cấu trường THCS Thông Thụ, đóng ở bản Lốc (xã Thông Thụ) với 5 phòng học xây bằng táp-lô còn nguyên tường và tấm bảng.

Ông Bùi Văn Hiền, Phó chủ tịch huyện Quế Phong, cho biết 8 năm sau khi hồ Hủa Na tích nước để vận hành thì năm nay mực nước xuống thấp nhất.

Dấu tích cây cau, cây cọ của nhà dân ở bản Lốc trước đây.

Để xây dựng thủy điện Hủa Na, trước tháng 7/2012, 1.363 hộ dân ở hai xã Thông Thụ và Đồng Văn phải di dời đến khu tái định cư, trong đó có 166 hộ của bản Lốc.

Một lô cốt quân sự rộng hàng chục mét vuông còn nguyên kết cấu sau những năm chìm dưới đáy hồ.

Vườn quế của một hộ dân vẫn còn nguyên gốc. "Hai ngày trước tôi quay lại nơi ở cũ, thấy giếng nước, gốc cây ăn quả tự tay mình trồng đang mục ruỗng mà cảm xúc khó tả", ông Lang Văn Hùng, 68 tuổi, ở cách lòng hồ nửa cây số chia sẻ.

Một căn nhà của người dân sau 8 năm nằm dưới nước.

Nhiều gốc cây to - nhỏ nằm chỏng chơ.

Một góc trụ sở UBND xã Thông Thụ. Theo người dân, công trình này từng lộ khỏi mặt nước nhưng chưa bao giờ lộ thiên hoàn toàn như hiện nay.

Một giếng nước ghép bằng đá, gạch của người dân khắc thời gian xây dựng năm 1996.

Hồ thuỷ điện Hủa Na có diện tích mặt nước 21 km2; dung tích 569 triệu m3 (khi cao trình hồ đạt 240 m so với mực nước biển). Hiện nay, cao trình hồ chỉ còn 0,5 m nữa là đến mực nước chết.

Nguyễn Hải