Sáng 20/11, tại TAND tỉnh Sơn La, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra quyết định trên, sau một ngày xét xử phúc thẩm.
Phiên toà xét đơn kháng cáo của 4 bị cáo, gồm Nguyễn Minh Khoa, cựu phó phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La; Trần Xuân Yến, Cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La; Lò Văn Huynh, cựu trưởng phòng Khảo thí và Nguyễn Thanh Nhàn, cựu phó phòng Khảo thí.
Ông Khoa kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, không thừa nhận phạm tội Đưa hối lộ với số tiền một tỷ đồng. Ông đề nghị toà phúc thẩm huỷ án để điều tra lại vì cho rằng toà sơ thẩm không có chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của mình.
Ông Yến cũng kêu oan, nói không phạm tội trong vụ án sửa điểm thi THPT 2018. Hai bị cáo Huynh và Nhàn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Song trong quá trình xét xử phúc thẩm, các bị cáo không đưa ra được chứng cứ mới hoặc tình tiết giảm nhẹ. TAND cấp cao quyết định giữ nguyên toàn bộ án sơ thẩm của TAND tỉnh Sơn La.
Theo đó, bị cáo Lò Văn Huynh đã phạm hai tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và Nhận hối lộ, lĩnh 21 năm tù.
Với tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, ông Trần Xuân Yến, nhận 9 năm tù; Nguyễn Thanh Nhàn 30 tháng tù. Ở tội Đưa hối lộ, ông Nguyễn Minh Khoa bị phạt 8 năm tù.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Lê Thị Thanh Yến (vợ bị cáo Huynh) và ông Lê Thanh Sơn (em vợ ông Huynh) kháng cáo yêu cầu xem xét lại phán quyết liên đới chịu án phí dân sự sơ thẩm liên quan khoản tiền một tỷ đồng, song cũng không được chấp nhận.
Theo bản án sơ thẩm cuối tháng 5, các bị cáo có quyền hạn trong kỳ thi THPT 2018 tại Sơn La lợi dụng chức vụ để nhận thông tin, sửa bài, nâng điểm cho 44 thí sinh. Việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành giáo dục, mất đi sự công bằng và cơ hội đi học của người khác.
Ngoài các bị cáo trên, 8 người trong vụ án không kháng cáo nhận mức hình phạt từ 30 tháng tù treo đến 19 năm 6 tháng tù. Phiên phúc thẩm từng được mở lần đầu vào sáng 14/10 song hoãn do vắng luật sư bào chữa cho bị cáo Khoa.
Thanh Vân