Số huy chương được bác sĩ Lộc, hiện công tác tại Phòng khám Victoria Healthcare, tích lũy trong gần hai năm tham gia các giải marathon khắp cả nước. "Trong một lần tham gia giải chạy, tôi chợt nghĩ tại sao không thử đặt mục tiêu 36 huy chương cho sinh nhật của vợ và bắt tay thực hiện", anh nói, ngày 10/4.

Bác sĩ Nguyễn Đức Lộc và vợ bên cạnh món quà sinh nhật là bó hoa tươi được trang trí cùng 36 chiếc huy chương từ các giải chạy marathon. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thành tích gần đây nhất của anh là hoàn thành cự ly 42 km tại giải marathon do Báo VnExpress tổ chức tại TP HCM, hồi tháng 2. Anh cho rằng mỗi huy chương không chỉ là thành tích mà còn là kỷ niệm, dấu ấn của những nỗ lực và quyết tâm bản thân đã trải qua, có sự đồng hành của vợ và hai con.
Chị Hằng, vợ bác sĩ Lộc, cho biết "rất bất ngờ khi nhận được món quà, cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì chồng đã vượt qua những thử thách để có được huy chương". "Đây là kỷ niệm đáng nhớ và cũng là động lực để cả gia đình cùng rèn luyện thể thao, sống vui, sống khỏe hơn", chị chia sẻ.
Hành trình với chạy bộ của bác sĩ 36 tuổi bắt đầu không đơn thuần vì đam mê. Cách đây ba năm, anh nhận được tin báo sức khỏe không như mong đợi, chỉ số men gan và mỡ máu tăng cao dù không có bệnh nền. Những bộ môn thể thao trước đó như bơi lội, cầu lông hay đá bóng đều không giúp anh cải thiện đáng kể. Anh quyết định chuyển sang chạy bộ để dễ dàng chủ động thực hiện mỗi ngày, vào lúc sáng sớm ở khuôn viên quanh nhà.
Hiệu quả đến nhanh hơn Lộc dự kiến. Sau 6 tháng duy trì chạy đều đặn, các chỉ số sức khỏe của anh trở lại bình thường, cân nặng từ 81 kg giảm xuống còn 68 kg. Cảm nhận sức khỏe tốt hơn từng ngày, anh thành lập nhóm chạy bộ cùng các đồng nghiệp. Cả nhóm thiết lập mục tiêu cụ thể hàng tuần, tạo động lực bằng cách "phạt" tiền quỹ nếu không hoàn thành. Những thử thách vui vẻ ấy tạo nên nền tảng giúp nhóm bền bỉ qua từng chặng đường.

Bác sĩ Lộc cùng vợ con tham gia một giải chạy marathon, tháng 5/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đằng sau sự thành công, bác sĩ Lộc dành thời gian nghiên cứu kỹ càng về kỹ thuật chạy bộ, chế độ dinh dưỡng và cách phòng ngừa chấn thương thể thao. Anh hòa mình vào các hội nhóm dành cho người chạy để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời tham gia vai trò giảng viên trong các tọa đàm về tầm soát sức khỏe, phương pháp tập luyện an toàn và hiệu quả.
Anh nhận thấy rằng chạy bộ không đơn giản là "xỏ giày ra đường". Thực hiện không đúng cách dễ gây chấn thương, đau mỏi và dẫn đến bỏ cuộc. Vì thế, bác sĩ luôn khuyến khích mọi người xây dựng lộ trình phù hợp với thể lực, tập luyện đúng tư thế, chọn giày phù hợp, đồng thời kết hợp một chế độ ăn uống hợp lý. Với cường độ cao hơn, việc bổ sung vi chất, điện giải cũng trở nên cần thiết.
"Mỗi người chỉ thành công khi thực sự lắng nghe cơ thể mình", Lộc nhận định.
Hành trình chinh phục marathon của bác sĩ Lộc tăng tốc từ năm 2023 khi anh liên tục đăng ký nhiều giải chạy, từ những cự ly 5 km đến marathon đầy thử thách với 42 km. Có những hôm cuối tuần, anh "hóa thân" thành người dẫn tốc (pacer) cho các vận động viên trẻ hơn, hoặc hỗ trợ y tế tại điểm đích. Gia đình anh không chỉ lặng lẽ đứng sau cổ vũ, mà còn tham gia trực tiếp. Hai cậu con trai, lần lượt mới 5 và 9 tuổi, cũng hoàn thành những quãng đường nhỏ bên bố mẹ.
Khi tìm thấy năng lượng mới từ chạy bộ, bác sĩ Lộc biến điều ấy thành thông điệp truyền cảm hứng: "Vận động luôn là chìa khóa cải thiện sức khỏe. Đừng đợi đến khi cơ thể lên tiếng báo động". Anh đặc biệt nhấn mạnh điều này đối với những người thừa cân hay mắc bệnh nền như gan nhiễm mỡ.
Bác sĩ khuyên mọi người nên khám sức khỏe định kỳ trước khi tập luyện, nhằm đánh giá điều kiện thể chất và tránh rủi ro. Ngoài ra, nên thực hiện các bài kiểm tra chuyên sâu như đo điện tim, siêu âm tim, giúp người tập xác định tốc độ và cường độ chạy phù hợp.

Bác sĩ Lộc thăm khám người bệnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Lê Phương