Cách đây 14 năm, bác sĩ Thường Cửu, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Nam Sơn, phát hiện ung thư vú di căn nách. Trong ba tháng, ông trải qua hai cuộc đại phẫu, hóa trị suốt hai năm. Căn bệnh suýt cướp đi sinh mạng, khiến cơ thể ông tàn tạ, suy yếu.
Mấy năm gần đây, ông mắc thêm bệnh nhồi máu lỗ khuyết (hiện tượng ngừng đột ngột lưu thông lượng máu đến một trong các động mạch nhỏ tại khu vực sâu trong não, gây tổn thương não), trào ngược thực quản, viêm teo dạ dày, giảm dung nạp glucose. Những vết thương cũ và mới trên hai khớp đầu gối khiến ông di chuyển khó khăn.
"Thế nhưng những người thân quen đều bảo trông tôi không giống ông già 76 tuổi lắm bệnh nhiều tật. Kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe của tôi là tâm lý ổn định, yêu thích và thực hành văn chương - hội họa", bác sĩ Cửu nói.
Ông nhận mình là người may mắn, có gia đình hòa thuận với người bạn đời tần tảo và những đứa con hiếu thảo. "Cả nhà luôn lo lắng và chăm sóc cho tôi từng miếng cơm giấc ngủ. Đây chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất của tôi. Mỗi khi bệnh tật hành hạ, vợ tôi luôn ở bên, giúp tôi vượt qua nỗi sợ hãi, đau đớn", ông cho biết.
Sau nhiều năm vật lộn với bệnh tật, ông đúc kết: "Sống trên đời, muốn 'ung dung bước đi' thì phải vượt qua giới hạn bản thân, không ngừng khắc phục khó khăn, quên đi bệnh tật, ý chí kiên cường, đạt tới cảnh giới cao nhất của cân bằng cảm xúc".
Để làm được điều đó, bác sĩ Cửu tìm đến hội họa.
Bác sĩ già chia sẻ: "Mỗi ngày tôi vẽ khoảng 4 tiếng đồng hồ. Khi vẽ, tôi tập trung hết mình vào mỗi nét bút. Không chỉ thế, hội họa giúp nâng cao khả năng tu dưỡng đạo đức, khiến tâm hồn trở nên cao thượng, không màng thế sự, tâm tĩnh tại. Mỗi khi hoàn thành một bức tranh, tôi luôn cảm thấy khoan khoái, tràn đầy năng lượng. Khi tôi đưa vợ ngắm thử, bà ấy thường hết lời khen ngợi. Tôi treo tranh lên, ngắm nhìn say mê và tận hưởng vẻ đẹp tinh thần mà bức tranh mang lại".
Ông thường được các thầy cô dạy vẽ và các bạn cùng học khen ngợi về ý chí kiên cường, nghị lực.
Để rèn luyện văn chương, ông dành nhiều thời gian đọc sách báo, tra tư liệu, bổ sung kiến thức mới. Mỗi ngày ông dành 5-6 giờ để viết.
"Càng viết tâm càng sáng, người trông cũng trẻ ra. Trong lúc viết, não luôn ở trong trạng thái hoạt động mạnh, mạch máu đàn hồi tốt hơn, tế bào não nhận được nhiều dinh dưỡng hơn, từ đó cải thiện chức năng của hệ thần kinh trung ương, hỗ trợ quá trình giảm lão hóa", ông nói.
Hơn 10 năm, ông Cửu trở thành cộng tác viên thân thiết nhiều tờ báo, trung bình mỗi tháng đăng 2 đến 3 bài về các chủ đề đa dạng.
Nhiều bệnh nhân trước đây được ông chữa trị đã hồi phục, khiến ông được an ủi.
"Dù nhiều bệnh tật, tôi luôn phối hợp trị liệu đông tây y, giữ tâm thái lạc quan và duy trì ăn uống hợp lý, đồng thời ngồi xe lăn ra ngoài tập thể dục mỗi ngày", ông nói về bí quyết sống khỏe của mình.
Minh Vũ (Theo Cnhubei)