Đi khám, anh được phát hiện có u trung thất lớn, chẩn đoán ung thư. Bác sĩ Nguyễn Quang Toản, Khoa Phẫu thuật - Can thiệp tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cho biết bệnh nhân ung thư đã ở giai đoạn muộn. Khối u xâm lấn vào màng phổi trái dẫn đến ho khan, tức ngực, khó thở. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u và tuyến ức, đồng thời sinh thiết, giải phẫu bệnh. Kết quả xác định ung thư tuyến ức giai đoạn hai.
Sau phẫu thuật, người bệnh tiếp tục xạ trị theo phác đồ.
Theo bác sĩ Toản, u tuyến ức là u biểu mô hiếm gặp của tuyến ức, trong đó u trung thất trước là thường gặp nhất, chiếm 47% trường hợp. Tùy theo biểu hiện trên lâm sàng giống như bệnh nhược cơ, chia làm hai loại là u tuyến ức có nhược cơ và u tuyến ức không nhược cơ. U tuyến ức không nhược cơ có biểu hiện lâm sàng đa dạng.
Ở giai đoạn sớm, u kích thước nhỏ thường không có triệu chứng. Đến giai đoạn muộn, u kích thước lớn và ác tính hóa gây tình trạng chèn ép, thâm nhiễm các tổ chức xung quanh như màng tim, màng phổi, khí quản và các động mạch lớn đi ra từ tim, phổi dẫn đến đau ngực, khó thở, ho, nấc, khàn giọng...
Để điều trị u tuyến ức, phẫu thuật cắt u và tuyến ức là phương pháp ưu tiên. Nếu không được cắt bỏ, u sẽ phát triển xâm lấn, chèn ép tổ chức xung quanh ảnh hưởng các chức năng cơ thể, sức khỏe và cả tính mạng của người bệnh.
"Đây là phẫu thuật khó đòi hỏi các thao tác hết sức chuẩn xác và khéo léo do u nằm sát các mạch máu lớn và thần kinh. Tùy theo kết quả giải phẫu bệnh và giai đoạn xâm lấn của u mà điều trị hỗ trợ cụ thể sau mổ", bác sĩ nhấn mạnh.
Bác sĩ Toản khuyến cáo không chủ quan với những triệu chứng bất thường trên cơ thể, đi khám để được chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Thùy An