Tiến sĩ, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết đơn vị tiếp nhận nhiều cuộc gọi báo rằng con họ bệnh nặng không qua khỏi, mong muốn hiến tạng con để cứu giúp trẻ khác. Tuy nhiên, bác sĩ không thể tiếp nhận vì luật không cho phép người dưới 18 tuổi đăng ký hiến. Trong khi đó, không ít em bé phải qua đời vì cần nguồn tạng hiến để ghép mà không có.
Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy, là một trong những nơi tiếp nhận đơn đăng ký hiến tạng từ người dân cả nước. "Nhiều người kể trông chờ đủ 18 tuổi để được điền tên vào đơn đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chết não. Có những gia đình đăng ký cho cả nhà, muốn làm luôn cho con nhưng trẻ dưới 18 tuổi đâu có được phép đăng ký", bác sĩ Thu nói.
Việt Nam chưa cho phép trẻ em chết não hiến tạng như nhiều nơi trên thế giới, số bệnh nhi được ghép tạng vì vậy chưa nhiều, chủ yếu thực hiện từ người cho còn sống. Bệnh viện Nhi đồng 2 - nơi ghép tạng cho trẻ em duy nhất ở miền Nam - triển khai ghép thận từ năm 2004, ghép gan từ năm 2005, đến nay chỉ thực hiện chưa đến 50 trường hợp. Nguồn tạng không nhiều bởi người hiến sống là người thân trong gia đình, họ hàng cho trẻ một phần tạng, phụ thuộc vào tính tương thích, điều kiện kinh tế.
Mới đây, một bệnh nhi 15 tuổi bị suy thận giai đoạn cuối đã hồi phục ngoạn mục, thoát cảnh chạy thận nhân tạo một tuần ba lần, sau khi được bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 ghép quả thận hiến từ cô gái 25 tuổi chết não. Đây là trường hợp thứ hai nhận tạng hiến tặng từ người cho chết não, trong vòng 4 năm. Cả hai bệnh nhi được ghép đều 15 tuổi, kích thước thận không quá chênh lệch với người hiến.
Giáo sư Trần Đông A (nguyên phó giám đốc, cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 2, chuyên gia về mổ tách dính song sinh, ghép tạng) cho rằng từ thành công của ca ghép này Việt Nam cần sớm sửa đổi điều luật cấm trẻ em dưới 18 tuổi chết não hiến tạng, bởi "trẻ em cần được ưu tiên hàng đầu trong hiến ghép tạng nhân đạo". Cả thế giới đã thống nhất nhận định ghép tạng cho trẻ em, nếu phù hợp các chỉ số sinh học thì đời sống tạng ghép và đời sống người được ghép tốt hơn rất nhiều so với ghép tạng ở người lớn.
"Tôi đồng ý với quy định người dưới 18 tuổi không được cho tạng lúc còn sống, vì giai đoạn chưa trưởng thành, cơ thể còn phát triển thì cho tạng sẽ không tốt. Tuy nhiên, khi trẻ đã chết não rồi, cho tạng để ghép thì lại rất tốt", giáo sư Đông A nói. Chẳng hạn nếu lấy hai quả thận của một em bé sơ sinh chết não ghép cho em bé suy thận thì tốt hơn nhiều so với dùng từ người lớn hiến thận, dễ thực hiện phẫu thuật và rất thích hợp về miễn dịch. Quả thận đã ghép cũng sẽ lớn dần theo thời gian. Nếu chỉ cho phép người từ 18 tuổi chết não hiến tạng, trẻ nhỏ khó có cơ hội nhận được nguồn tạng để ghép.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, hàng chục năm qua, danh sách trẻ chờ ghép thận, ghép gan ngày càng dài. Nhiều trẻ đã không qua khỏi trong lúc mòn mỏi chờ đợi.
Việc ghép tạng từ nguồn hiến trẻ em chết não được triển khai từ lâu trên thế giới, phổ biến rộng rãi. 32 năm trước, khi được nhà nước cử đi tham gia học ghép tạng ở châu Âu, đặc biệt tại Pháp, Giáo sư Đông A đã tham gia ca ghép tạng từ hai em bé chết não 5 tuổi, ca cho tạng các bé 5 tuổi. Những ca này nhờ sự tương đồng về tuổi tác, kích thước thận giữa người cho và người nhận nên các quy trình trước mổ và theo dõi sau ghép rất thuận lợi. Những ca ghép tạng từ người cho sống, nếu chênh lệch tuổi tác, trọng lượng lớn - chẳng hạn người lớn 60 kg cho bé 20 kg, thì quá trình ghép và hồi sức rất phức tạp. Nếu không cẩn thận trẻ có thể suy tim, phù phổi cấp, tử vong...
Kể từ ca ghép đầu tiên được tham gia ở Pháp, Giáo sư Đông A cho biết ông luôn đau đáu mong muốn Việt Nam cho phép lấy tạng hiến từ bệnh nhi chết não để ghép cho trẻ đang sống lay lắt từng ngày vì bị suy thận, suy tim, gan...
Việt Nam bắt đầu triển khai ghép tạng từ người hiến chết não năm 2010. Theo Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, mỗi năm cả nước vận động được khoảng 10 người chết não hiến tặng mô tạng. Năm 2019 nhiều nhất, có 20 người chết não hiến tạng. Từ nguồn hiến này, hơn 400 người được ghép phổi, gan, thận, tim, giác mạc... trong hơn chục năm qua.
"95% ca ghép tạng ở Việt Nam được tiến hành từ người cho sống, chỉ có 5% ca ghép từ người cho chết não. Điều này đi ngược với xu hướng chung của thế giới khi nhiều nước đa phần ca ghép tạng là từ người cho chết não", Giáo sư Đông A nói. Ở những nước phát triển, đặc biệt ở Mỹ, thống kê ghi nhận trên 10.000 ca ghép mỗi năm từ nguồn tạng của người chết não và họ luôn ưu tiên cho trẻ em. Hàn Quốc hiện nay cũng phát triển ghép tạng rất nhiều nhờ phát triển nguồn hiến từ người cho chết não.
Qua hai nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, Giáo sư Đông A nhiều lần đấu tranh để sửa đổi, bổ sung bộ Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác để trẻ chết não được quyền hiến tặng mô tạng. Thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng được nhiều lần tham gia góp ý sửa đổi luật. "Hy vọng luật sớm có thể ban hành trong năm 2024 như dự kiến", ông nói.
Cùng quan điểm, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu mong muốn sớm có quy định để người dưới 18 tuổi hiến tạng, vì sẽ có lợi cho trẻ em, đặc biệt là những trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh cần tạng hiến. Trong đó, luật cần quy định cụ thể về chẩn đoán chết não ở trẻ em, với sự tham gia của các chuyên gia thần kinh nhi chuyên biệt. Bên cạnh đó, phải xây dựng danh sách chờ, điều kiện tiếp nhận tạng thật tốt.
"Ở nhiều nước, trẻ em thường có những điểm số ưu tiên để tạo điều kiện sớm được ghép tạng. Thậm chí, trẻ mới có chỉ định chứ chưa chạy thận, vừa vào danh sách chờ ghép vẫn có thể được ghép ngay nếu có tạng hiến phù hợp", bà Thu cho biết.
Lê Phương