Bệnh nhi là con út trong gia đình ba anh em, do suy thận phải nghỉ học lớp 7 để điều trị bằng thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng), sau đó chạy thận nhân tạo một tuần ba lần, không còn nước tiểu. Bố của em dự định hiến thận, song lớn tuổi, làm bảo vệ, là lao động duy nhất trong gia đình nên không phù hợp. Em đăng ký vào danh sách chờ ghép thận người hiến chết não, từ tháng 10/2020.
Chiều 20/8, Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy báo tin có người chết não hiến tạng, phù hợp với các chỉ số của bệnh nhi này để ghép. Bệnh viện Nhi đồng 2 kích hoạt báo động đỏ chuẩn bị về chuyên môn, liên hệ người nhà, huy động nguồn tài trợ từ cộng đồng hỗ trợ viện phí cho ca ghép do hoàn cảnh bệnh nhi khó khăn.
Lúc đấy, bệnh nhi đang ở nhà tại Đồng Nai, nhanh chóng đón xe đến Bệnh viện Nhi đồng 2 tại TP HCM. Thận từ người hiến được chuyển từ Chợ Rẫy sang Nhi đồng 2 chiều hôm sau, ca ghép tiến hành ngay và thuận lợi.
Bác sĩ Võ Thị Tường Vy, Khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết nhờ kinh nghiệm ngày càng dày dặn trong ghép thận cho trẻ em, dụng cụ mổ hiện đại, ca ghép chỉ mất 3,5 giờ, ngắn hơn nhiều so với các ca thời kỳ đầu triển khai kỹ thuật này. Ngay sau ghép, lúc còn ở phòng mổ, bệnh nhân có nước tiểu ngay và lượng nước tiểu ngày càng tăng dần, chức năng thận cải thiện. Bé ăn uống lại từ ngày đầu tiên sau mổ, xuất viện sau hai tuần nằm viện.
Theo bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh Nhi đồng 2, đây là ca ghép thận thứ 23 tại bệnh viện kể từ năm 2004 và là trường hợp thứ hai trẻ em ghép tạng từ người hiến chết não. Bệnh nhi đầu tiên được ghép thận từ người hiến chết não tại bệnh viện, cũng là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam, được vận chuyển từ Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Đức ở Hà Nội vào cuối năm 2018.
"Nguồn tạng lần này từ Bệnh viện Chợ Rẫy điều phối, chỉ cách Nhi đồng 2 chưa đến 10 km, nên có sự thuận lợi về yếu tố địa lý, thận không phải bảo quản lâu nên đảm bảo chất lượng hơn", bác sĩ Tùng nói.
Giáo sư Trần Đông A, nguyên phó giám đốc, cố vấn chuyên môn của bệnh viện, cho biết điều thuận lợi trong ca này là bệnh nhi 15 tuổi, người hiến 25 tuổi, có sự tương thích về tạng. Nếu cả hai chênh lệch nhiều về tuổi tác, trọng lượng thì ca phẫu thuật ghép và hồi sức rất vất vả, người nhận ghép có thể suy tim, phù phổi, tử vong...
Hiện, Việt Nam chưa cho phép trẻ dưới 18 tuổi chết não hiến tạng như nhiều nơi trên thế giới, số bệnh nhi ghép tặng vì vậy chưa nhiều, chủ yếu thực hiện từ người cho còn sống. Bệnh viện Nhi đồng 2 - nơi ghép tạng cho trẻ em duy nhất ở miền Nam - triển khai ghép thận từ năm 2004, ghép gan từ năm 2005, đến nay chỉ thực hiện chưa đến 50 trường hợp. Nguồn tạng không nhiều bởi người cho là người thân trong gia đình, họ hàng và phụ thuộc vào tính tương thích, điều kiện kinh tế. Đây là trở ngại đối với nhiều gia đình không có điều kiện hoặc người hiến có bệnh lý, trong khi nhu cầu ghép thận ở trẻ em hiện nay nhiều và có chiều hướng tăng.
Ghép thận là phương pháp thay thế thận tối ưu trong điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối. Chạy thận nhân tạo, người bệnh phải vào viện liên tục, trường hợp thẩm phân phúc mạc phải ở nhà thay xả dịch vài giờ một lần. Nếu được ghép thận, trẻ có thể đi học, cải thiện sức khỏe, cao lớn, sinh hoạt bình thường. Nhiều bệnh nhi sau ghép thận hiện đã tốt nghiệp đại học, lập gia đình, sinh con khỏe mạnh.
"Gia đình tôi mừng không thể diễn tả thành lời, xin tri ân người hiến tạng và các y bác sĩ", mẹ bệnh nhi nói. Sau ghép, thiếu niên này sẽ phải tái khám liên tục và dùng thuốc chống thải ghép. Em cũng chuẩn bị trở lại trường sau thời gian dài gián đoạn việc học, không còn đòi "chết cho rồi chứ sống làm gì khổ quá".
Lê Phương