Ở các F0 thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm biến chủng Delta, điều trị bằng kháng thể đơn dòng có thể giúp giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong. Song phương pháp này hiệu quả kém hơn ở người nhiễm Omicron.
Giới chức Mỹ đã ủng hộ sử dụng loại kit xét nghiệm có thể phân biệt ca nhiễm Omicron dựa trên đặc điểm di truyền của biến chủng. Song các chuyên gia cho rằng điều này là chưa đủ đối với các hệ thống y tế lớn, đang phải tiếp nhận lượng bệnh nhân khổng lồ.
Tình trạng trên khiến việc điều trị ở những điểm nóng như Maryland gặp khó khăn. Tại đây, ca nhiễm Omicron chiếm khoảng 58%. Trong khi đó, biến chủng Delta cũng đang phát triển mạnh ở Great Plains và vùng lãnh thổ phía Tây, bao gồm California.
Dù chưa có nghiên cứu toàn cầu về tỷ lệ nhiễm biến chủng ở mỗi cá nhân, mạng lưới quốc gia và các phòng thí nghiệm vẫn có thể giải trình tự bộ gene để theo dõi các ca nhiễm Omicron trong cộng đồng. Hệ thống y tế địa phương sau đó sử dụng dữ liệu này để quyết định từng bệnh nhân điều trị bằng phương pháp nào.
Nhiều chuyên gia nhận định phần lớn bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta phù hợp dùng kháng thể đơn dòng do Regeneron và Eli Lilly sản xuất. Trong khi đó, các F0 nhiễm Omicron sẽ cải thiện sức khỏe nhanh chóng hơn nếu sử dụng liệu pháp từ GlaxoSmithKline và Vir Biotechnology.
Giới chức liên bang Mỹ cũng điều chỉnh chiến lược phân phối thuốc dựa trên khuyến nghị này. Ngày 23/12, chính phủ ngừng các chuyến hàng vận chuyển thuốc kháng thể của Lilly và Regeneron sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết 73% ca nhiễm nước này là Omicron.
Quyết định này bị một số lãnh đạo chính trị tại Đảng Cộng hòa phản đối kịch liệt vì số người nhiễm Delta vẫn cao. Hôm 28/12, CDC thông báo số ca nhiễm Omicron chỉ còn chiếm 53%. Giới chức liên bang nối lại phân phối thuốc kháng thể của tất cả các hãng dược.
Theo tiến sĩ Alex Greninger, trợ lý giám đốc phòng thí nghiệm virus học tại Trung tâm Y tế Đại học Washington, những tuần tới, khi đất nước vật lộn đối phó với hai loại biến chủng lưu hành không đồng đều ở nhiều khu vực, việc phân loại phương pháp điều trị cho từng bệnh nhân sẽ "cực kỳ khó khăn".
Tiến sĩ Greninger và các đồng nghiệp đã phát triển một loại kit xét nghiệm phân biệt được các biến chủng nCoV. Song ông lo ngại hệ thống y tế không thể thích ứng nhanh chóng và phân loại bệnh nhân. Công tác báo cáo kết quả hàng loạt cũng tương đối khó khăn.
Hơn nữa, việc giải trình tự gene mất gần một tuần, quá thời gian lý tưởng để điều trị bằng các phương pháp kháng thể giúp giảm nguy cơ nhập viện từ đầu. Điều này khiến y bác sĩ gặp không ít khó khăn, theo tiến sĩ Mark Siedner, nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts.
Ở Massachusetts và các bang lân cận, ước tính khoảng 44,5% ca nhiễm là Omicron. Tiến sĩ Siedner cho biết hệ thống y tế của ông đã ngừng sử dụng kháng thể đơn dòng của Regeneron và Eli Lilly do chúng không hiệu quả trên biến chủng mới.
Biện pháp hứa hẹn giải quyết tình trạng này là các loại thuốc viên điều trị Covid-19 như Paxlovid và molnupiravir, có thể dễ dàng sử dụng tại nhà ngay giai đoạn khởi phát triệu chứng. Tuy nhiên, nguồn cung thuốc uống còn cực kỳ hạn chế.
Giới chức y tế và bác sĩ toàn quốc phải khó khăn quyết định lựa chọn các bệnh nhân dùng thuốc. Một số người nguy cơ cao chuyển nặng sau nhiễm nCoV bị bỏ qua vì họ đã được tiêm phòng.
Nhiều bệnh viện hết một số loại thuốc nhất định, các viện khác chỉ có sẵn vài chục liệu trình. Nhân viên y tế phải cấp phát vitamin cho bệnh nhân thay vì thuốc điều trị. Số khác chạy đua thiết lập tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân.
Tiến sĩ Natasha Bagdasarian, Giám đốc cơ quan y tế Michigan, cho biết: "Đơn giản là chúng tôi không có đủ số thuốc để phân phát cho người mắc Covid-19 trong những tuần sắp tới, kể cả bệnh nhân có nguy cơ biến chứng nặng. Không cách nào đảm bảo đưa thuốc đến tay những người phù hợp nhất ở thời điểm này".
Thục Linh (Theo NY Times)