Thức dậy và cảm thấy choáng váng, uể oải không phải là cách hay để bắt đầu ngày mới. Để cố gắng đánh thức bản thân thay vì tắt báo thức và tiếp tục ngủ, hầu hết mọi người sẽ tìm đến một tách cà phê.
Tuy nhiên, thói quen sử dụng caffeine có thể gây tác dụng ngược, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn là tỉnh táo. Chuyên gia về giấc ngủ, bác sĩ Carol Ash, Giám đốc Y tế của RWJUH Rahway, Mỹ, cảnh báo về tác dụng thực sự của caffeine và chia sẻ cách chống lại ham muốn uống cà phê nhiều hơn mức khuyến nghị.
Carol giải thích rằng hầu hết mọi người uống cà phê để tỉnh táo, nhưng cà phê có thể khiến họ mệt mỏi theo ba cách.
Thứ nhất, caffeine sẽ liên kết các thụ thể adenosine - một chất hóa học thần kinh trong não, gây ra hiện tượng mệt mỏi.
Thứ hai, chất adenosine kiểm soát giấc ngủ phục hồi của con người mỗi đêm, tạo ra "áp lực" khiến con người phải ngủ. Vì vậy, khi tiếp xúc với caffeine trong cà phê, người uống sẽ có cảm giác tỉnh táo lúc đầu, nhưng cơ thể vẫn không ngừng sản xuất hoặc tích tụ chất adenosine.
Cuối cùng, vì cà phê chỉ che giấu cảm giác mệt mỏi và không ngăn được việc tạo ra adenosine trong não, nên một khi caffeine hết tác dụng, lượng chất hóa học thần kinh bị tích tụ sẽ khiến người uống cảm thấy "sụp đổ". Caffeine cũng tồn tại trong cơ thể trong 6 giờ, vì vậy uống cà phê sau ba giờ chiều có thể khiến giấc ngủ bị gián đoạn, tăng cảm giác mệt mỏi.
Bác sĩ Carol cũng kêu gọi mọi người nên ngủ ngon giấc từ 8 đến 9 giờ mỗi đêm, giúp bạn tỉnh táo vào ban ngày và hạn chế lượng caffeine được tiêu thụ.
"Không nên uống nhiều hơn 400 mg caffeine mỗi ngày", Carol nói. Một cốc cà phê thông thường chứa 70-100 mg caffeine.
Không thể phủ nhận rằng caffeine là một chất có tính gây nghiện cao. Vì vậy, Carol khuyến khích mọi người chỉ uống một hoặc hai cốc cà phê nhỏ mỗi ngày để không có cảm giác bị thôi thúc phải uống nhiều hơn.
Khánh Linh (Theo Mirror)