Cựu phó thủ tướng Trung Quốc Ngô Nghi được mệnh danh là "người đàn bà thép" bởi phong cách cứng rắn với Mỹ trong những cuộc đàm phán về sở hữu trí tuệ. Ngay cả đến khi về hưu, bà dường như cũng rất thận trọng.
"Tôi sẽ nghỉ hưu không mang theo gì và sẽ ngừng tất cả mọi thứ liên quan đến công việc. Cảm ơn tất cả mọi người", bà Ngô phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân tháng 12/2007 trong tuyên bố nghỉ hưu.
Bà Ngô Nghi phát biểu trước ngày thôi giữ chức phó thủ tướng tháng 12/2007. Ảnh: Chinavisual |
Câu nói "không mang theo gì" của bà chứng tỏ bà không yêu cầu gì cho cá nhân sau khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao trong đảng cho biết trên thực tế, bà Ngô đã ra một điều kiện trước khi nghỉ hưu. Đó là không để Bạc Hy Lai, lúc đó đang là Bộ trưởng Thương mại, trở thành người kế nhiệm chức vụ phó thủ tướng phụ trách thương mại của bà.
Có rất nhiều giả thiết đặt ra cho việc tại sao bà Ngô, người phụ nữ hiếm có trong chính phủ Trung Quốc, lại không ưa thích Bạc Hy Lai.
"Qua những hành động của Bạc, bà Ngô cảm thấy ông ta là người kiêu ngạo khi không lắng nghe ý kiến của người khác", giám đốc một công ty có quan hệ thường xuyên với các quan chức trong Bộ Thương mại cho hay.
Trong các bộ ngành ở Trung Quốc, các cán bộ thường thăng tiến trong một lĩnh vực nhất định hoặc theo phòng ban với sự chuyên trách nhất định. Tuy nhiên, ở Bộ Thương mại, các cán bộ luân chuyển không theo quy tắc trên kể từ sau khi Bạc giữ chức bộ trưởng.
Ngoài ra, Bạc Hy Lai thường gọi những quan chức cấp cao vào giữa đêm và trách mắng họ. Bà Ngô biết được sự không đồng tình trong đội ngũ cán bộ cấp cao trong Bộ Thương mại, bao gồm cả những vụ trưởng, về cách điều hành của ông Bạc.
Một giả thuyết khác là ông Bạc vượt mặt bà Ngô trong chuyến thăm của bà tới Mỹ. Ông Bạc nằm trong danh sách tháp tùng phó thủ tướng sang Mỹ nhưng ông lại thể hiện vai trò trung tâm, thu hút sự chú của truyền thông và để giới truyền thông nghĩ rằng đàm phán đạt được thành công là nhờ công của Bạc.
Bạc Hy Lai trả lời phỏng vấn của giới truyền thông về quan hệ thương mại Trung - Mỹ. Ảnh: Cnphoto |
Ông Bạc Nhất Ba mất tháng 1/2007. Sau kỳ đại hội đảng Trung Quốc vào tháng 10 năm đó, Bạc Hy Lai trở thành bí thư thành ủy Trùng Khánh chứ không thể lọt vào số 9 thành viên của thường vụ bộ chính trị. Việc Bạc phải rời đến Trùng Khánh dường như cũng là một biểu hiện của sự xa lánh và không hoan nghênh của trung ương.
Tuy nhiên, Bạc Hy Lai vẫn còn cơ hội cuối tại kỳ đại hội đảng năm 2012 và ông đã chọn cách tích cực thể hiện mình để hy vọng leo lên cấp bậc cao nhất trong sự nghiệp chính trị.
Vũ Hà (theo Asahi Shimbun)
Đây là bài thứ 11 trong series của Asahi Shimbum, tìm hiểu về con đường tiến thân của chính trị gia mất chức Bạc Hy Lai tại Trung Quốc. Đọc thêm:
Bạc Hy Lai trên ghế bộ trưởng
Bạc Hy Lai cất cánh, nhà báo ở tù
Một mình khiêu chiến với Bạc Hy Lai
Bạc Hy Lai ôm mộng quyền lực
Bạc Hy Lai - kiến trúc sư của 'Đại Liên xinh đẹp'
Bạc Hy Lai và nhạc đỏ
Cha Bạc Hy Lai trải đường cho con trai