Theo Diễn đàn kinh tế Thế giới, phụ nữ có nhiều vai trò trong xã hội như lãnh đạo, cố vấn, bạn bè, đối tác... Việc phải cân bằng các vai trò, thách thức trong từng công việc gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Hồi tháng 3, cơ quan này dẫn một nghiên cứu của Viện Y tế McKinsey (Mỹ) trên hơn 30.000 nhân viên trên 30 quốc gia, chỉ ra phụ nữ dễ mệt mỏi, kiệt sức hơn nam giới. Một khảo sát khác của Women’s Health vào tháng 7 năm 2022, chỉ ra 57% phụ nữ cho biết tình trạng sức khỏe phụ khoa hoặc nội tiết tố ảnh hưởng lớn tới công việc của họ.
BS.CKII Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất TP HCM, cho biết do khác biệt về khung xương và nội tiết tố, phụ nữ gặp nhiều vấn đề sức khỏe gây đau mỏi cơ thể hơn nam giới. Trong đó, chị em thường gặp 3 vấn đề sức khỏe dưới đây:
Đau đầu
Tổ chức Y tế Thế giới thống kê rối loạn đau đầu ảnh hưởng đến khoảng 40% dân số vào năm 2021, tương đương 3,1 tỷ người, phổ biến ở nữ. Đối với chứng đau nửa đầu, số phụ nữ mắc bệnh này nhiều gấp ba lần so với nam giới, có thể do nội tiết tố. Chứng đau đầu cũng ở phụ nữ cũng kéo dài hơn so với nam giới.
Đau xương khớp
Theo bác sĩ Nga, một số yếu tố nguy cơ khiến phụ nữ dễ đau xương khớp hơn, ví dụ cấu trúc khớp và dây chằng yếu hơn nam giới. Tuy nhiên, họ có đặc điểm sinh lý khiến hệ thống khớp háng, gối, khung chậu phải hoạt động nhiều.
Nữ giới bị giảm nội tiết tố estrogen trong giai đoạn kinh nguyệt, mang thai, tiền mãn kinh, mãn kinh... khiến xương khớp suy yếu nhanh hơn. Lý do là nội tiết tố nữ cũng đóng vai trò bảo vệ lớp mô, sụn, đầu xương tạo nên khớp. Ngoài ra, phụ nữ bị lo âu, ít tập thể dục, dễ tăng cân, có nguy cơ đau khớp và mắc bệnh khớp cao hơn.
Mệt mỏi
Nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) giai đoạn 2010-2011, chỉ ra khoảng 15% phụ nữ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức mỗi ngày. Thực tế, bác sĩ Phương Nga thường xuyên gặp bệnh nhân nữ phàn nàn về tình trạng mệt mỏi kéo dài, dễ mắc cảm, cúm...
Bác sĩ Phương Nga cho biết có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ mệt mỏi, ví dụ căng thẳng (stress), thiếu ngủ, chế độ dinh dưỡng thiếu chất, thói quen sinh hoạt không lành mạnh hoặc bệnh tật. Phụ nữ cần phân biệt cơn mệt mỏi do yếu tố nào để có biện pháp xử trí đúng.
Cách khắc phục
Theo bác sĩ Phương Nga, để khắc phục các vấn đề sức khỏe, phụ nữ nên dành thời gian giải tỏa căng thẳng, có lối sống lành mạnh hơn. Ví dụ, mọi người nên dành thời gian tập luyện các bộ môn giúp tăng tính dẻo dai cho cơ thể như yoga, đạp xe, bơi lội, chạy bộ, vận động tối thiểu 150 phút/tuần. Khi làm việc, phụ nữ cần ngồi đúng tư thế, vận động nhẹ nhàng để thư giãn mỗi 45-60 phút làm việc.
Nữ giới nên duy trì thói quen ngủ đều đặn, cố gắng ngủ vào cùng một thời điểm mỗi tối và thức giấc cùng một thời điểm mỗi sáng dù được nghỉ; đảm bảo phòng ngủ yên tĩnh, thoải mái cho giấc ngủ, hạn chế caffein. Chế độ dinh dưỡng nên phù hợp với độ tuổi, cân bằng các nhóm chất, tránh thực phẩm và đồ uống có nhiều đường, không bỏ bữa sáng và uống đủ nước.
Khi bị căng thẳng dẫn đến đau đầu, mệt mỏi, phụ nữ cần xác định nguyên nhân gây stress, từ đó có biện pháp thư giãn, khắc phục kịp thời. Ví dụ chị em đảm nhận quá nhiều công việc, khiến không có thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi, cần chủ động hoàn thành công việc có thể làm nhanh và từ chối nhận thêm khi đã vượt quá khả năng. Nữ giới có thể viết nhật ký căng thẳng để xác định các mô hình và chủ đề chung.
Để giảm triệu chứng đau nhanh, phụ nữ có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như Hapacol, với liều 10-15mg paracetamol/kg cân nặng mỗi 4-6 giờ/lần uống. Ví dụ, phụ nữ nặng 45-65kg dùng liều vừa đủ 1 viên Hapacol 650 chứa 650mg paracetamol.
Tuy nhiên, nếu đã dùng thuốc giảm đau nhiều ngày, bệnh không thuyên giảm, phụ nữ nên khám chuyên khoa để có hướng điều trị phù hợp, tránh lạm dụng thuốc.
Văn Hà