Sáng 14/7, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có phiên làm việc đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến vào nội dung chuẩn bị kỳ họp thứ 10. Đồng tình với những đánh giá về kết quả kỳ họp thứ 9, các đại biểu đã chỉ ra một số bất cập cần khắc phục.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, có ý kiến nói đến khắc phục việc đọc phát biểu sẵn của đại biểu Quốc hội. "Tôi thấy đây là ý kiến xác đáng", bà Mai nhấn mạnh. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, nếu đại biểu đọc nguyên văn bài phát biểu chuẩn bị sẵn thì mất đi tinh thần sôi động của nghị trường. Hơn thế, việc phát biểu bằng các văn bản chuẩn bị sẵn có những bài phát biểu trùng lặp nhau.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Giang Huy.
"Mỗi phiên họp ở hội trường có tranh luận đều rất hay, lôi cuốn tất cả mọi người tham gia, từ người trong hội trường, các cơ quan báo chí hay cử tri cả nước. Đáng tiếc là không phải phiên họp nào chúng ta cũng làm được điều này", lãnh đạo Ủy ban các vấn đề xã hội nói.
Nêu quan điểm về vấn đề trên, Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật, ông Phan Trung Lý cho biết, việc chuẩn bị bài phát biểu bằng văn bản hay bằng lời đều có những cái hay riêng. "Có những bài phát biểu văn bản rất sâu như ý kiến Phó Chủ nhiệm ủy ban tư pháp Lê Thị Nga. Có những phát biểu bằng lời nhưng không có sự chuẩn bị nên cũng chưa tốt", ông Lý phân tích.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì cho rằng, đại biểu Quốc hội công tác ở nhiều lĩnh vực, có những chuyên môn sâu rất khác nhau. Do đó không phải ai cũng có thể phản biện ngay tại hội trường về một vấn đề cụ thể mà thường thì phải chuẩn bị trước.
Một vấn đề khác được đại biểu cho ý kiến là việc kiểm soát thông tin, tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp. Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, kỳ họp vừa qua có một số thông tin tài liệu tham khảo không đúng chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước. "Tôi nhận được phong bì rất dầy do văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội đưa đến, không ai kiểm tra. Đây không những là tài liệu không tốt mà không cẩn thận còn là phương tiện khủng bố. Đo đó cần có quy định quản lý chặt thông tin, tài liệu gửi đến các đại biểu tại kỳ họp", ông Khoa cảnh báo.
Cũng theo lãnh đạo Ủy ban quốc phòng an ninh, thông tin cung cấp cho đại biểu nghiên cứu dự án luật, có những tài liệu tham khảo không có tên tác giả, nội dung không chính xác. Ở một số buổi thảo luận, nhiều đại biểu phát biểu gần giống nhau và giống tài liệu tham khảo được phát. Từ thực tế trên, ông Khoa đề nghị cần có quy định quản lý thông tin đến đại biểu phải là chính thống, tài liệu tham khảo phải là sản phẩm khoa học đích thực.
Theo tờ trình của Văn phòng quốc hội, kỳ họp thứ 10 sẽ xem xét thông qua 16 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, trong đó có những dự án luật quan trọng như: Bộ luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật trưng cầu ý dân... Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến 10 dự án luật, trong đó có Luật báo chí (sửa đổi). |
Võ Hải