Quan điểm trên được ông Lý đưa ra sáng 15/4 khi thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi.
Theo ban soạn thảo, cần thiết tăng thêm 5% số lượng đại biểu chuyên trách trong tổng số đại biểu Quốc hội ở ngay nhiệm kỳ tới để đạt tỷ lệ 35% (hiện là 30%) và phấn đấu để số đại biểu này chiếm 50% trong các nhiệm kỳ tiếp theo. Thực tế hiện nay, đại biểu kiêm nhiệm vẫn chiếm số lượng lớn nên nhiều người không có thời gian tham gia hoạt động do các ủy ban, hội đồng tổ chức. “Việc vắng quá nhiều đại biểu thành viên tại các hoạt động tập thể của hội đồng, ủy ban đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xem xét, thông qua các quyết định của các cơ quan này” - ông Phan Trung Lý nói
Ban soạn thảo cũng đề nghị cần chuyên môn hóa hoạt động của hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, để các bộ phận này thực sự là các cơ quan chuyên môn, là cơ cấu làm việc thường xuyên của Quốc hội. Muốn vậy, ban soạn thảo cho rằng số lượng thành viên của hội đồng, ủy ban không cần quá đông, nhưng phần lớn phải là đại biểu hoạt động chuyên trách (mỗi ủy ban sẽ có khoảng từ 30 - 50% tổng số thành viên hoạt động chuyên trách). Những đại biểu đăng ký tham gia làm thành viên của hội đồng, ủy ban phải cam kết dành đủ thời gian cần thiết thực hiện nhiệm vụ mà các cơ quan này phân công, nếu không bảo đảm yêu cầu thì sẽ phải thôi làm thành viên hội đồng, ủy ban.
Ban soạn thảo cũng đề nghị bổ sung vào dự luật quy định về chức danh Tổng thư ký Quốc hội thay thế cho Đoàn thư ký kỳ họp như hiện nay.
Theo đó, Tổng thư ký do Quốc hội bầu, là người phát ngôn của Quốc hội, đồng thời là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội. Tổng thư ký có nhiệm vụ tham mưu dự kiến chương trình, kế hoạch và chỉ đạo tổ chức phục vụ kỳ họp toàn thể, phiên họp của ủy ban thường vụ Quốc hội hay các cuộc họp do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức. Theo Chủ nhiệm Phan Trung Lý, mô hình này tương tự như tổ chức bộ máy giúp việc nghị viện của nhiều nước trên thế giới.
Chí Hiếu