Phiên tòa được chính quyền quân sự Myanmar tổ chức tại thủ đô Naypyidaw hôm nay bước sang ngày thứ hai, khi các công tố viên cáo buộc cựu cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi kích động rối loạn xã hội và phớt lờ các hạn chế phòng chống Covid-19.
Tội danh phản loạn, đôi khi còn được gọi là xúi giục nổi loạn, được quy định trong luật có từ thời Myanmar còn là thuộc địa của Anh, và thường bị chỉ trích là có phạm vi điều chỉnh quá lớn, dễ bị lợi dụng cho mục đích chính trị. Người bị kết tội phản loạn có thể bị kết án hai năm tù.
Phiên tòa cho triệu tập một nhân chứng cung cấp thêm lời khai, củng cố cáo buộc Aung San Suu Kyi xúi giục phản loạn. Min Min Soe, luật sư đại diện cho cựu cố vấn nhà nước Myanmar, cho biết bà "có vẻ vẫn giữ sức khỏe tốt".
"Bà ấy lắng nghe bình thường. Có lúc bà còn mỉm cười", luật sư thuật lại.
Phóng viên không được tiếp cận nơi diễn ra phiên tòa. Phòng xét xử chỉ có một thẩm phán, hai thư ký, một nhân chứng, cùng các luật sư. Cảnh sát tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt tòa nhà.
Ngoài cáo buộc xúi giục phản loạn, tòa án Naypyidaw cùng ngày còn tiếp nhận một bản khai khác, khẳng định bà Suu Kyi vi phạm quy định chống dịch Covid-19 trong giai đoạn vận động tranh cử vào năm 2020. Chính quyền quân sự còn cáo buộc bà vi phạm luật xuất nhập khẩu khi mua bộ đàm từ nước ngoài và nhận vàng trái pháp luật.
Nếu tòa án kết luận Suu Kyi có tội với mọi cáo trạng, bà có thể phải ngồi tù hơn 10 năm.
Hai thành viên cấp cao khác trong đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ là cựu tổng thống Win Myint và tiến sĩ Myo Aung cũng bị xét xử với tội danh xúi giục phản loạn. Cả hai đều xuất hiện tại phiên tòa ngày 15/6 ở Naypyidaw cùng bà Suu Kyi.
Trung Nhân (Theo AFP)