"Thế giới đã thay đổi. Tôi nhận thấy người dân ở các thành phố sẽ không bỏ cuộc và Thống tướng Min Aung Hlaing cũng vậy. Tôi nghĩ nội chiến có khả năng xảy ra", Yawd Serk nói, đề cập tới tư lệnh quân đội đang lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, kể từ khi Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các quan chức cấp cao trong chính quyền dân cử bị bắt hôm 1/2.
Yawd Serk có nhiều kinh nghiệm đối đầu với các tướng quân đội, khi lãnh đạo tổ chức chính trị dân tộc thiểu số Hội đồng Khôi phục bang Shan (RCSS), đồng thời là người sáng lập nhóm vũ trang Quân đội bang Shan (SSA), lực lượng kiểm soát vùng đất rộng lớn phía đông Myanmar.
SSA là một trong hơn 20 nhóm vũ trang dân tộc đang chống lại quân đội Myanmar, hay còn gọi là Tatmadaw, đồng thời đối đầu lẫn nhau tại các vùng biên giới của đất nước nhằm đòi quyền lợi và tự chủ. Tình trạng đối đầu vũ trang này đã âm ỉ suốt 70 năm qua.
Kể từ khi Tatmadaw tiến hành đảo chính và lên nắm quyền hồi đầu tháng 2, nhiều nhóm phiến quân, bao gồm RCSS, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại chính quyền quân sự, đồng thời lên án việc lực lượng an ninh sử dụng vũ lực gây chết người với dân thường.
Tuy nhiên, chính quyền quân sự Myanmar nhiều lần nói rằng người biểu tình gây ra tình trạng bạo lực và họ đang sử dụng vũ lực "ở mức tối thiểu". "Đám đông dùng bao cát chặn đường, tấn công bằng súng tự chế, ném bom xăng, buộc lực lượng an ninh phải sử dụng vũ khí chống bạo loạn", phát ngôn viên quân đội Zaw Min Tun trả lời một cuộc phỏng vấn, nói thêm rằng chính quyền sẽ tổ chức "bầu cử tự do và công bằng" sau khi tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm kết thúc.
Theo các bình luận viên của CNN, trong khi lực lượng an ninh Myanmar tiếp tục tỏ ra không nương tay, có những dấu hiệu cho thấy những mâu thuẫn ở nước này sắp tiến tới bước ngoặt lớn, với việc các nhóm phiến quân có thể tham gia vào cuộc xung đột mới. Từ trung tâm các đô thị Myanmar, ngày càng nhiều người kêu gọi các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số hành động nhiều hơn để bảo vệ người dân.
Hôm 30/3, ba nhóm phiến quân ở phía bắc đất nước, tự xưng là Liên minh Tam Huynh đệ, tuyên bố nếu Tatmadaw không chấm dứt các vụ nổ súng vào dân thường, họ "sẽ tham gia cuộc cách mạng mùa xuân cùng tất cả dân tộc khác để tự vệ". "Chúng tôi sẽ không ngồi yên, mà sẽ tìm mọi cách để bảo vệ người dân", Yawd Serk cho biết.
Nhiều nhóm nhân quyền tại địa phương cho biết kể từ hôm 27/3, quân đội Myanmar đã tiến hành nhiều cuộc không kích khu vực rừng núi ở bang Karen, nằm dưới sự kiểm soát của Liên minh Quốc gia Karen (KNU). Đây là lần đầu tiên sau 20 năm Tatmadaw không kích vào nhóm phiến quân lâu đời nhất Myanmar.
Theo các nhóm nhân quyền, ít nhất 6 dân thường, bao gồm trẻ em, đã thiệt mạng và khoảng 12.000 người phải sơ tán, một số dân làng vượt sông Salween sang nước láng giềng Thái Lan. Cuộc tấn công diễn ra sau khi một lữ đoàn của KNU đánh chiếm căn cứ quân sự tại quận Mutraw. Nhóm phiến quân cho hay lực lượng Tatmadaw đã tiến vào lãnh thổ của họ từ mọi hướng để trả đũa.
Ở miền bắc đất nước, giao tranh cũng gia tăng kể từ sau đảo chính, với cuộc đụng độ giữa quân đội với phiến quân bang Kachin, hay còn gọi là Quân đội Độc lập Kachin, khiến hàng trăm người phải di tản, theo truyền thông địa phương.
KNU và RCSS đều tham gia Thỏa thuận Ngừng bắn Toàn quốc được ký giữa 10 tổ chức vũ trang dân tộc hồi năm 2015, do bà Suu Kyi làm trung gian. Hai nhóm này cho hay các cuộc tấn công đồng nghĩa với việc thỏa thuận rất khó khăn mới đạt được giờ đây đang bị đe dọa. Yawd Serk tuyên bố các bên sẽ "xem xét lại" thỏa thuận.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định Tatmadaw sẽ cố gắng tránh tình huống phải đối đầu với nhiều bên cùng lúc. "Ưu tiên hàng đầu của Tatmadaw luôn là vùng lãnh thổ trung tâm đất nước và duy trì quyền kiểm soát chính quyền trung ương", Matthew Henman, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu Khủng bố và Nổi dậy Jane, nêu ý kiến.
Henman đánh giá mặc dù các nhóm vũ trang dân tộc không thể so sánh về quy mô và sức mạnh với quân đội Myanmar, họ vẫn có khả năng gây tác động nhất định. Trước nguy cơ các nhóm này liên minh với nhau, chính quyền quân sự tuần trước tuyên bố đơn phương ngừng bắn với các nhóm phiến quân tới 30/4, nhằm tiếp tục đàm phán hòa bình và để người dân tổ chức lễ té nước Thingyan trong yên bình.
Trong khi đó, ngày càng nhiều người tìm đường đến trú ẩn tại những khu vực do phiến quân kiểm soát, nhằm chạy trốn quân đội. Saw Taw Nee, người phụ trách đối ngoại của KNU, cho biết khoảng 2.000 người đã chạy từ các thị trấn và thành phố đến lãnh thổ của họ, bao gồm người biểu tình, lao động bãi công, quan chức chính phủ bị lật đổ và thành viên đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi.
KNU đang hỗ trợ nơi ở và thực phẩm cho những người này. "Hầu hết họ là những người rất trẻ, tham gia vào phong trào biểu tình, đang bị truy bắt và không dám ở lại lâu hơn tại nơi cư trú", Saw Taw Nee cho hay. Nhóm của Yawd Serk cũng đang bảo vệ những người chạy trốn chính quyền quân sự.
"Chúng tôi không ủng hộ họ bằng cách đưa lực lượng lớn tiến vào các thành phố. Nếu làm vậy, chúng tôi rõ ràng lại khiến hành vi của chính quyền quân sự trở thành hợp lý. Thay vào đó, chúng tôi sẽ chăm lo cho những người bỏ chạy. Họ đều là những người biểu tình hòa bình", Yawd Serk nói.
Tuy nhiên, khi quân đội dùng đạn thật mạnh tay trấn áp làm ít nhất 570 người biểu tình thiệt mạng, một bộ phận trong phong trào biểu tình ôn hòa rộng lớn trên khắp đất nước dần trở nên cực đoan. Lãnh đạo biểu tình giấu tên ở thành phố Yangon cho biết một số người đang âm mưu ném bom xăng vào phương tiện của quân đội, bất kể có binh sĩ bên trong hay không, hoặc tiến hành các vụ đốt phá.
Người này phản đối bạo lực, nhưng nhiều lãnh đạo biểu tình khác lại đang khuyến khích kiểu hành động như vậy. Khi tình hình trở nên tồi tệ hơn, với số người chết và bị bắt gia tăng, số người cực đoan có nguy cơ cũng sẽ ngày càng đông.
"Khi những dân thường như chúng tôi cầm vũ khí, được huấn luyện trong vòng 6 tháng và bắt đầu nổ súng vào người khác, tôi đoán nội chiến là điều khó tránh khỏi. Nhưng nếu bạo lực gia tăng, mục tiêu của chúng tôi sẽ không thể hoàn thành, mà chỉ phục vụ mong muốn của quân đội", ông nêu ý kiến.
Một nhà hoạt động giấu tên tiết lộ anh đang được huấn luyện tại một khu trại trong rừng ba tuần qua. Không rõ có bao nhiêu người ở địa điểm này, nhưng nhà hoạt động cho biết anh được huấn luyện cùng những người "vô cùng bình thường", cảm thấy không còn lựa chọn nào khác. Họ đang học cách sử dụng súng và chế tạo bom.
Một thủ lĩnh cấp cao giấu tên của nhóm phiến quân xác nhận có vài chục người biểu tình đang được huấn luyện quân sự tại lãnh thổ của họ, tương tự cách nhóm phiến quân đào tạo các thành viên trong lực lượng. "Họ nói rằng không còn gì để mất và phải chấm dứt chính quyền quân sự, nếu không, Myanmar sẽ không có tương lai", thủ lĩnh nói.
Trong khi đó, một nhóm nghị sĩ bị lật đổ, có tên Ủy ban Đại diện Quốc hội Liên bang Myanmar (CRPH), cùng đảng NLD đang thúc đẩy thành lập một lực lượng quân sự liên bang bao gồm các nhóm vũ trang dân tộc. Họ cũng tiết lộ kế hoạch thành lập một chính quyền chuyển tiếp, với lực lượng quân đội riêng, nhằm đối đầu với chính quyền quân sự.
Tuy nhiên, việc các nhóm phiến quân cùng chung sức chống lại Tatmadaw được cho là kịch bản khó xảy ra. Vài thủ lĩnh phiến quân cũng đánh giá điều này còn lâu mới trở thành hiện thực. Dù nhiều nhóm đã liên minh với nhau, sự khác biệt sâu sắc vẫn tồn tại và giao tranh nội bộ vẫn tiếp diễn. Người dân tộc thiểu số còn được cho là luôn nghi ngờ bất cứ nhóm lãnh đạo người Miến nào, như CRPH.
Saw Taw Nee cho biết ưu tiên quan trọng trước hết là thành lập một liên minh dân chủ liên bang, bao gồm đại diện từ tất cả các nhóm dân tộc, sau đó mới đến lực lượng quân sự liên bang.
"Hiện nay rất khó hình thành một lực lượng quân sự như vậy, chủ yếu bởi chúng tôi có quan điểm khác nhau, xuất thân khác nhau. Vấn đề chủ chốt là xây dựng niềm tin giữa mọi người", Saw Taw Nee nói.
Ánh Ngọc (Theo CNN)