"Sáng 25/6, máy bay P-8A và RC-135 của Mỹ tiến hành hoạt động trinh sát trên Biển Đông, tập trung vào vùng biển phía đông eo biển Ba Sĩ, trong khi một vận tải cơ C-17A Globemaster III bay qua khu vực Biển Đông", tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Viện Nghiên cứu Đại dương Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc hôm qua đăng trên Twitter.
Hình ảnh đường bay được SCSPI công bố cho thấy trinh sát cơ và vận tải cơ Mỹ đều xuất phát từ Okinawa, Nhật Bản. Sau khi qua eo biển Ba Sĩ, vận tải cơ C-17 tiếp tục bay qua Biển Đông để tới Thái Lan, trong khi hai trinh sát cơ quần thảo tại khu vực phía đông nam đảo Đài Loan.
Trinh sát cơ P-8A sau đó tách ra, bay về phía quần đảo Đông Sa, nơi Đài Loan triển khai lực lượng cảnh sát biển và thủy quân lục chiến kiểm soát, trước khi tiến gần bờ biển đông nam Trung Quốc đại lục.
Đông Sa án ngữ giữa căn cứ của Trung Quốc trên đảo Hải Nam và Thái Bình Dương, do đó quần đảo có vị trí chiến lược quan trọng với hải quân Trung Quốc. Trung Quốc được cho là đã lên kế hoạch diễn tập đổ bộ chiếm đảo vào tháng 8, trong đó mục tiêu giả định là quần đảo Đông Sa. Kế hoạch tập trận này khiến Mỹ triển khai trinh sát cơ hoạt động gần quần đảo để thu thập thông tin tình báo.
Đài Loan chưa bình luận về thông tin hoạt động của máy bay Mỹ gần hòn đảo.
Tuy nhiên, cơ quan phòng vệ Đài Loan hôm qua cho biết tiêm kích Su-30, J-10 và vận tải cơ Y-8 của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc 11 lần áp sát hòn đảo trong tháng 6, bao gồm 8 lần tiếp cận trong 14 ngày qua, buộc hòn đảo điều tiêm kích xua đuổi.
Giới chuyên gia nhận định trinh sát cơ P-8A hiện diện trong khu vực cho thấy Mỹ có thể đang chú ý đến hoạt động của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc gần Biển Philippines.
"Nếu Trung Quốc triển khai tàu ngầm qua eo biển Ba Sĩ và Balintang, nằm giữa đảo Đài Loan và Philippines, chúng sẽ răn đe hoạt động của hải quân Mỹ giữa Biển Đông và Biển Philippines", Alexander Huang Chieh-cheng, giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Đàm Giang ở Đài Bắc, cho biết.
Huang nhận định hướng triển khai tàu ngầm như vậy nhằm "thể hiện ý định giành quyền kiểm soát lớn hơn" trên vùng biển nằm giữa Trung Quốc và các thực thể trên Bột Hải, Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)