Dưới câu hỏi vì sao 70% vụ ly hôn là do phụ nữ đệ đơn?, tôi thấy rất nhiều câu trả lời mà ở đó, dường như 100% nguyên nhân đến từ đàn ông. Đã có ai đó từng lên tiếng rằng đàn ông Việt hiện nay rất khổ, đây chính là nội dung mà tôi sẽ bênh vực cho đàn ông Việt.
Để tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện về một người anh rể họ của tôi. Anh rể họ này của tôi đẹp trai, cao to, lấy chị họ con của dì tôi vào đầu những năm 2000. Do nhà dì tôi chỉ có một người con gái nên ra yêu cầu bắt rể. Vì thấy con mình quá yêu vợ nên nhà trai cũng đồng ý.
Anh ấy có một công việc ổn định, sáng đi làm, chiều về nhà vợ. Thuở mới cưới họ cũng mặn nồng như những cặp đôi khác. Nhưng sau một thời gian, tình yêu của họ bị biến dạng vì nhà vợ quá yêu thương và nuông chiều con gái, nên thường nhắm mắt làm ngơ thậm chí hùa theo những sự vô lý của cô vợ, tức chị họ tôi.
Tiền lương hàng tháng đưa hết cho vợ, anh ấy chỉ giữ lại một khoản tiền đủ để ăn sáng và đổ xăng. Nhưng áp lực tài chính chưa là gì so với khoản bạo lực tinh thần hành hạ. Chị họ tôi có máu ghen, chị ấy luôn giận dữ và khó chịu nếu hôm nào chồng về muộn hơn một, hai giờ đồng hồ so với bình thường. Dù việc về muộn có lý do chính đáng như phải ở lại công ty làm việc gấp hay ra sân đá bóng với bạn bè. Anh rể họ của tôi cảm thấy sợ hãi khi bị vợ kiểm soát như thế.
Khi điện thoại di động thông minh trở nên phổ biến, cô vợ càng kiểm soát gắt gao hơn. Tối nào cũng đọc hết tin nhắn trong ngày của chồng mới yên tâm đi ngủ. Tài khoản mạng xã hội của chồng thì cô ấy toàn quyền sử dụng, tự chụp hình gia đình và đăng tải để bạn bè, người thân thấy họ là một gia đình hạnh phúc.
Dĩ nhiên không phải cùng là đàn ông mà tôi bênh vực anh ấy, nhưng thực sự thấy cuộc sống anh ấy quá ngột ngạt. Họ hàng của tôi cũng thế. Các cậu, các dì tôi đều thương quý người cháu rể này, nhiều lần khuyên dọn ra riêng để cuộc sống thoải mái hơn nhưng đều bị từ chối.
Tới bây giờ, khi hai đứa con của họ đã lớn thì anh ấy gần như đã quen trong cuộc sống như thế. Trong chừng đó thời gian, lâu lâu tôi lại nghe anh ấy than vãn, trong những cuộc nhậu rồi lại thôi. Vì quá yêu vợ và con nên không định làm lớn chuyện, vì sợ gia đình sẽ tan vỡ.
Bây giờ, nhìn chung tôi thấy đàn ông Việt đã ít có người vũ phu, đụng tay chân với vợ con. Đồng thời, họ cũng đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong cuộc sống hàng ngày, nhưng nhiều người trong họ vẫn mắt nhắm mắt mở cho qua để bảo toàn hạnh phúc gia đình.
Điểm qua, có thể thấy ba nỗi khổ của đàn ông Việt hiện đại:
Thứ nhất, áp lực về việc kiếm tiền. Nếu hỏi một cô gái bất kỳ, tôi e là khả năng họ sẽ chọn kết hôn với một người đàn ông nhà xe đầy đủ, hơn là chọn đồng hành xây dựng sự nghiệp từ bàn tay trắng với một người đàn ông khác. Lương tháng cũng là tiêu chí để đánh giá năng lực của một người đàn ông. Còn nếu lương chồng thấp hơn lương vợ thì đó là một thảm hoạ.
Thứ hai, áp lực về vai trò lãnh đạo gia đình. "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Trách nhiệm xây nhà, nặng nhọc và khó khăn nhất từ xưa đến giờ đều đổ lên vai người đàn ông.
Chăm sóc con cái, người cha cũng là người đóng vai nghiêm nghị để dạy con, trong khi phần mềm mỏng để cho người phụ nữ. Một ngôi nhà to đẹp được xây lên, người ta sẽ ít khen người đàn ông giỏi giang hơn là họ sẽ khen lấy khen để người vợ thấy một căn bếp tinh tươm, một phòng khách bày trí hài hoà.
Thứ ba, áp lực về những mong mỏi và tiêu chí nam tính. Người đàn ông trụ cột trong gia đình bị gán cho những yếu tố phải mạnh mẽ, kiên trì, và không bao giờ cho thấy sự yếu đuối.
Đàn ông đang bị đòi hỏi rất nhiều yêu cầu như đã kể, bao gồm việc kiếm tiền và chu các việc hàng ngày cho gia đình, cũng như có một sự thành tựu trong công việc và giữ một cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Đối mặt với nhiều thách thức kể trên là một điều rất khó khăn. Nhưng khi gia đình đổ vỡ, trách nhiệm lại thuộc về đàn ông. Đây là một điều hết sức không công bằng.
Hải Trung
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.