Người đầu tiên là một phụ nữ tuổi 30 sống cùng chồng trong một căn chung cư 70 mét vuông của Hà Nội. Tôi không trực tiếp gặp, mà chỉ được đọc tâm sự của chị. Chị giãi bày nỗi khổ sở của việc chỉ có 25 triệu đồng trong tay. Và vì thế, chị không dám bước chân ra ngoài sắm Tết.
Mong mỏi của người phụ nữ ấy, rằng Tết phải có nhiều tiền để tiêu, có lẽ là một cách gửi gắm tâm ý phổ biến của người Việt vào đầu xuân. Hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel chỉ ra, chỉ riêng sức mua hàng tiêu dùng nhanh của người Việt trong dịp Tết nguyên đán 2018 đã đạt 45.000 tỷ đồng. Tết Kỷ Hợi 2019, mức độ tiêu thụ hàng hóa toàn quốc được dự tính tăng 10 đến 15%. Riêng ở TP Hồ Chí Minh, chỉ số này sẽ tăng tới hơn 30%.
Năm nay phải được tiêu nhiều hơn năm trước, dù con số ban đầu có là 2,5 triệu, hay 25 triệu. "Tết" và "năm mới" rất thường được định nghĩa như thế. Nó thậm chí được định nghĩa như thế ngay cả trong mục tiêu kinh tế xã hội của quốc gia, gọi là "tăng trưởng".
Người thứ hai là một người nhặt rác tuổi 50. Đó là một nhân vật cũ. Tết này, chúng tôi gói ghém chút quà, đến tìm những nhân vật có gia cảnh khó khăn mình đã viết trong năm qua - như một cách cảm ơn họ đã chia sẻ câu chuyện đời mình.
Ngày cuối năm, giữa dòng tám triệu dân thủ đô đang hối hả tay đào, tay quất, tôi gặp ông Năm đang lấp ló sau cái xe đẩy rác cao quá đầu. Ông vò vò cái mũ lưỡi trai đã sờn, thi thoảng nhắc tôi đứng xa ông để không vương mùi hôi lên quần áo. Năm nay vợ chồng ông không được nghỉ để về Nam Định ăn Tết, cũng không mua sắm gì. Cậu con trai, sinh viên trường Nông nghiệp hứa sẽ mang về cho bố mẹ một chậu hoa cúc vàng. Họ sẽ đặt nó trước căn lều của mình trong xóm ngụ cư Trung Văn.
Cầm túi quà trong tay, ông bảo mình không cần gì, "con cái trưởng thành, có nghề là được". Điều người đàn ông này cần cho Tết không khác gì điều ông vẫn mong lúc ngày thường. Và nó không phải là gói quà và phong bì của tôi.
Người thứ ba là một kỹ sư thủy lợi ở Hoài Đức. Chị Huệ là một trong gần bốn nghìn công nhân, kỹ sư thủy lợi của Hà Nội bị nợ lương gần ba năm qua.
Chị Huệ dặn tôi đến cầu Đào Nguyên thì đứng đợi. Vớt xong rác ở con mương hạ nguồn cạnh đấy, chị ra đón. Chị Huệ đã được trả 6 tháng lương từ năm 2017, gần 12 triệu đồng. Số tiền ấy nhanh chóng được đắp vào các khoản nợ, viện phí, và mua một cái xe máy cũ.
Người kỹ sư vẫn bám lấy cái nghề "công ích xã hội" mà chồng không ưa này. Vợ chồng chị do vậy sống ly thân. Bé Linh năm nay đón Tết bên "nhà bố", nên nhà chị Huệ sẽ không có trẻ con. Chị nhớ về một bữa cơm tất niên đông đủ. Chị đã đánh mất nó, vì cái nghề thủy lợi từng cao quý, bây giờ bần cùng cuộc đời chị. Hộp quà lớn bằng gỗ tôi mang đến để trên bàn bỗng trở nên vô duyên. Nó cũng không phải thứ chị cần.
Chị Huệ nhất mực dúi vào tay tôi cái túi chè lam tự làm, rồi trở về trạm bơm trên chiếc xe máy vỡ yếm.
Người thứ tư là một bệnh nhân chạy thận. Lan tiếp tôi trong căn phòng trọ sáu mét vuông quen thuộc giữa xóm chạy thận Lê Thanh Nghị. Lan đang ngồi ở giường, trông ra ngoài cửa. Mẹ Lan đang rửa bát thuê ở quán phở đầu phố.
"Năm nay chỉ có sáu người chết", Lan kể tin vui nhất năm cho tôi nghe. Cánh tay trông rõ từng đường gân, chi chít những vết sẹo kim lọc thận. Lan 32 kg, lọt thỏm trong cái áo phông màu đục mà lần nào gặp, tôi cũng thấy em mặc.
29 Tết, sau ca truyền bốn tiếng, mẹ con Lan sẽ bắt ba chuyến xe buýt để về quê nhà ở Bắc Giang. Để đúng chín giờ sáng mùng Hai Tết, sẽ lại có mặt ở bệnh viện Bạch Mai để lọc máu. "Lần sau chị đến chơi, em vẫn còn sống thì tốt". Cô gái 25 tuổi nép sau cánh cửa vẫy tay chào tôi, khẽ cười.
Trong logic giản đơn của chúng tôi khi chuẩn bị những gói quà Tết và cẩn thận nhét mấy tờ giấy bạc vào phong bao lì xì, những người nghèo, Tết đến hẳn sẽ mong ước có tiền. Nhưng ba cuộc gặp gỡ cuối năm đã trả về cho tôi những kết quả khác. Điều mà họ cần cho Tết, lại không liên quan gì đến vật chất, hay những tính từ "sung túc", "đủ đầy".
Trong suốt năm qua, những người này đã không ít lần giãi bày chuyện đời mình cho tôi viết báo. Song đây là lần đầu tiên, tôi đi gặp họ không phải với danh nghĩa đi "khai thác nhân vật", mà là đi thăm những người thân hữu bình thường. Và tôi nhận ra rằng trong các bảng phân tích, các nghiên cứu, các chỉ tiêu quốc gia, các khái quát về tăng trưởng hay thậm chí là cả các nghị luận tôi và đồng nghiệp đăng hàng ngày trên báo, không bao giờ phản ánh hết được ước vọng của mọi con người.
Khi ông Năm nghĩ về tương lai con cái, chị Huệ chọn không khí sum vầy, và Lan chỉ ước mong được sống, không có nghĩa rằng họ giàu của cải đến mức không nghĩ ngợi đến tiền. Nhưng tâm tư của họ phức tạp hơn "tiền". Tâm tư đó có thể là vấn đề chính sách công, hoặc cũng có thể đơn giản là cách chúng ta quan tâm đến nhau trong tư cách một cộng đồng. Người như Lan, có lẽ cần nhiều tình cảm.
Chúng ta sẽ chỉ nhận ra những điều đó khi chạm vào từng người. Nếu có điều ước gì trong năm mới, có lẽ tôi sẽ ước mình có thêm thời gian để chạm vào nhiều cuộc đời hơn. Và ước rằng, nhiều người cũng sẽ có thời gian để lắng nghe thêm về những con người sống quanh mình.
Và bạn, độc giả của bài viết này, nếu không liên quan đến tăng trưởng sức mua, ước vọng năm mới của bạn là gì?
Thanh Lam