Hà Duy Thuận, 32 tuổi, nói đặc thù công việc của một kỹ sư IT và vợ làm dược sĩ gần như không có ngày nghỉ. Trong những tháng ngày quay cuồng vì công việc đó, trong họ nổi lên giấc mơ về một ngôi nhà ở quê để "sống một đời bình lặng, vui thú điền viên".
Sau đại dịch Covid-19, công ty của Thuận áp dụng hình thức làm việc hybrid - mô hình làm việc ngồi đâu cũng được. "Chúng tôi quyết định không chờ đợi nữa", Thuận nói. "Vợ sẵn sàng hy sinh sự nghiệp, cùng tôi về bỏ phố về quê xây dựng ngôi nhà trong mơ", Thuận chia sẻ.
Tháng 3/2022, cặp vợ chồng mang theo hai chú chó cưng rời khỏi ngôi nhà ở phường Thạnh Lộc, quận 12, TP HCM về mảnh đất ở huyện Eakar, Đắk Lắk, cách Buôn Ma Thuột khoảng 60 km.
Trên diện tích 4.000 m2, trong đó 2.000 m2 là ao, họ bắt tay xây một ngôi nhà cấp bốn 160 m2, còn lại là sân vườn.
Nhờ kinh nghiệm từ việc tự cải tạo ngôi nhà ở TP HCM một năm trước, cũng như đã học thêm về kiến trúc và thiết kế nội thất, cặp vợ chồng quyết định chỉ thuê thợ xây thô còn lại tự tay vẽ thiết kế, giám sát thi công, các hạng mục hoàn thiện, nội thất, sân vườn.
Nhưng làm nhà không phải việc dễ dàng với hai nhân viên văn phòng chưa từng lao động chân tay nặng nhọc. Thuận là solution architect (kiến trúc sư giải pháp) và software manager (giám đốc phần mềm) của công ty công nghệ, công việc thường bắt đầu từ 7h đến 18h hàng ngày. Anh chỉ tranh thủ làm nhà được vào trưa, tối và cuối tuần.
Mùa hè năm 2024, anh vận chuyển hàng chục tấn đá ong, sỏi để xếp hồ cá và con đường dài 300 m dẫn từ đường làng vào cổng nhà. Lao động chân tay và dầm mưa dãi nắng khiến Thuận "gầy và đen nhẻm như con cá mắm".
"Mỗi tháng tôi chỉ lên công ty một hai lần, nhìn thấy tôi đồng nghiệp nào cũng trố mắt không thể nhận ra công tử bột ngày nào", Thuận kể. "Tôi thậm chí không dám về thăm nhà vì sợ bố mẹ nhìn thấy lại xót".
Một điểm nổi bật trong công trình của họ là tự làm nội thất. Thuận đã dựng xưởng mộc 50 m2, đầu tư một loạt máy móc chuyên nghiệp như máy cưa đa góc, máy cưa lọng vòng, máy CNC, máy laser, cùng hệ thống máy hút bụi và lọc không khí.
Anh tâm sự khâu thiết kế luôn là phần thách thức nhất. Một món đồ tưởng như đơn giản, như chiếc kệ TV dài khoảng hai mét chỉ mất 20 giờ để gia công, nhưng phần lên ý tưởng và phác thảo ngốn của anh cả tuần trời.
Song cũng nhờ làm thiết kế 3D tỉ mỉ giúp dễ dàng kiểm nghiệm kết cấu và cách sản phẩm vận hành thực tế, từ đó tinh chỉnh trực tiếp trên phần mềm, giảm thiểu lãng phí vật liệu và công sức, cũng như tránh làm sai hoặc tạo ra thứ mà cả anh và vợ không hài lòng.
Thành quả của họ một chiếc kệ với hoa văn khắc laser, mô phỏng những hình ảnh hoài niệm về Sài Gòn. "Tôi không muốn làm thứ gì đó chỉ để lấp đầy không gian, mà nó phải kể một câu chuyện", anh chia sẻ.
Bộ sofa lấy cảm hứng từ chú gấu thi thoảng có chút mệt mỏi muốn nằm lười và bàn trà hình chiếc lá. Việc làm chiếc lá này không đơn giản, do phải khéo léo tận dụng vân của gỗ, bên cạnh khâu tạo hình. Chân bàn mang bản sắc Tây Nguyên, với cụm voi mẹ con. Thuận muốn chiếc chân bàn không chỉ là có một chức năng, còn trở thành đồ chơi cho trẻ nhỏ.
"Ý tưởng này đã chứng minh hiệu quả khi bất kỳ đứa trẻ nào đến chơi cũng say sưa khám phá bộ voi, trong khi người lớn thoải mái chuyện trò", anh nói.
Khu vườn được thiết kế theo phong cách rừng cây nhiệt đới với khoảng 50 loại cây khác nhau như thiên tuế, dương xỉ, ráy, các loài lan và kiểng lá, kết hợp gỗ lũa và những viên đá lạ mắt.
Là dân công nghệ, ngôi nhà cũng được gia chủ cũng thiết kế theo mô hình nhà thông minh. Thuận cho biết các smarthome khác thường sẽ tự sản xuất hoặc phân phối các thiết bị của hãng, còn anh tự thiết kế theo nhu cầu, cũng như các thiết bị điện có sẵn mang từ TP HCM về.
Hệ thống smarthome được anh thiết kế bao gồm điện, Internet, phần cứng lẫn phần mềm để có thể kết nối các thiết bị của nhiều hãng lại với nhau. Từ đó tất cả đều có thể bật tắt từ xa thông qua điện thoại, máy tính, hoặc ra lệnh bằng giọng nói.
"Trong ra lệnh bằng giọng nói cũng được lập trình để phù hợp thói quen dùng tiếng Anh của tôi ví dụ "Hey Google, turn on the kitchen light!" (Hãy bật đèn nhà bếp) và tiếng Việt của vợ 'Đậu Đậu, tắt đèn'", anh chia sẻ.
Ngoài ra, hầu hết các thiết bị cũng được tự động hoá dựa trên kịch bản anh cài đặt. Ví dụ, khi anh bước vào bếp, đèn tổng sẽ tự bật; đến gần tủ lạnh hay ra kệ bát, đèn ở các khu vực này cũng tự bật và tắt theo cảm ứng. Trong phòng ngủ, nếu nhiệt độ phòng ngủ dưới 23 độ C, điều hòa chiều ấm không bật thì máy sưởi sẽ tự động bật. Nếu trên 24 độ, máy sưởi sẽ tự tắt. Nếu độ ẩm không khí không đủ, quạt cũng tự động bật bơm khí tươi.
Kỹ sư IT này cũng tự hào với "bảo bối" khác là tự phát triển một AI cho hệ thống thông minh của nhà. "AI này giống như một trợ lý của riêng tôi", anh cho hay.
Chùm ảnh: Nội thất ngôi nhà
Hơn hai năm xây dựng ngôi nhà mơ ước cũng là hành trình đôi vợ chồng thực sự đồng hành và thấu hiểu nhau. Mỗi hạng mục, đặc biệt là khâu thiết kế, đều trải qua những cuộc thảo luận nảy lửa.
Thủy Nguyễn (vợ Thuận) cho biết, những khi chồng bận rộn với việc công ty, cô đảm nhận vai trò giám sát thi công và hỗ trợ những hạng mục nội thất. Ban đầu, cô chỉ dám làm những việc nhẹ nhàng như dán gạch, đánh giấy ráp đồ gỗ. Đến nay cô đã thành thạo cả việc cầm cưa, xẻ gỗ, đục đẽo như một người thợ thực thụ.
Ngôi nhà của vợ chồng Thuận - Thủy đã hoàn thiện các hạng mục chính, vừa cùng nhau đón một cái Tết trọn vẹn đầu tiên. Họ cho biết thời gian tới sẽ xây dựng một nhà riêng tách biệt dành cho khách.
"Chỉ có cá dưới ao, gà thả vườn và rau trái tự trồng, chúng tôi mang tất cả những gì trong nhà ra đón tiếp khách giản dị mà chân thành", anh chồng nói.
Phan Dương