Tay buôn ma túy bị kết án gặp các đặc vụ FBI Mỹ đến từ San Diego và đưa ra một lời đề nghị hấp dẫn: cung cấp cách truy cập hệ thống thông tin liên lạc mã hóa của mạng lưới tội phạm quốc tế để đổi lấy việc được giảm án.
Tên này đã đầu tư khoản tiền lớn để phát triển thiết bị mã hóa được tội phạm trên khắp thế giới sử dụng mà không bị cảnh sát phát hiện. Thiết bị có tên ANOM được trang bị phầm mềm mã hóa tùy chỉnh giúp nó trở nên an toàn hơn bất kỳ ứng dụng nào khác trên thị trường.
Sau khi được FBI khai thác, theo kế hoạch, ANOM được cung cấp cho một mạng lưới phân phối có liên kết với các nhóm tội phạm có tổ chức. Chỉ trong vòng ba năm, ANOM đã được 300 nhóm tội phạm ở 100 quốc gia sử dụng để gửi khoảng 27 triệu tin nhắn từ gần 12.000 thiết bị, đề cập tới các âm mưu giết người, giao dịch ma túy, tham nhũng, rửa tiền, với khoảng 450.000 hình ảnh về khoản tiền mặt và ma túy khổng lồ. Tất cả được FBI và nhiều lực lượng cảnh sát nước khác theo dõi.
Cho đến nay hơn 800 vụ bắt giữ được thực hiện. Cảnh sát cũng thu giữ hơn 8 tấn cocaine, 22 tấn cần sa, hai tấn ma túy tổng hợp, 250 khẩu súng, 55 phương tiện đắt tiền, cùng hơn 48 triệu USD tiền mặt và tiền điện tử, theo cơ quan cảnh sát châu Âu Europol.
Chi tiết về chiến dịch truy quét tội phạm có tên Trojan Shield (Lá chắn Trojan) đã được đưa vào báo cáo của FBI đệ trình lên tòa án Mỹ vào ngày 17/5/2021. Bản sơ thảo chiến dịch được công bố trên toàn thế giới vào ngày 8/6, khi cơ quan thực thi pháp luật châu Âu, Australia và Mỹ cho biết đây là một trong những cuộc điều tra tội phạm có tổ chức quan trọng nhất trong lịch sử.
Tại Australia, 4.000 cảnh sát đã đột kích hơn 500 địa chỉ trong nỗ lực truy quét các nhóm tội phạm ở 18 quốc gia của chiến dịch Lá chắn Trojan. Europol và FBI dự kiến sớm cung cấp thêm thông tin chi tiết về các vụ bắt giữ trong khu vực pháp lý của họ.
Việc FBI sử dụng ANOM để hỗ trợ chiến dịch kết thúc vào ngày 7/6, một ngày trước khi thông tin này được tiết lộ. Tới tháng 10/2018, các thiết bị ANOM đã sẵn sàng lưu hành trong thế giới ngầm theo chiến dịch Lá chắn Trojan.
FBI, Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) và người phát triển thiết bị đã thiết lập "khóa chính" trong hệ thống mã hóa ANOM hiện có, cho phép cơ quan chức năng lưu trữ và giải mã tin nhắn mỗi khi được gửi đi. Australia được chọn là nơi "thử nghiệm" của chiến dịch Lá chắn Trojan.
Người phát triển ANOM đã "chào hàng" thiết bị cho ba người từng phân phối Phantom Secure, một thiết bị mã hóa khác đã dừng hoạt động sau khi giám đốc điều hành của nó bị bắt vào tháng 3 năm đó. Ba nhà phân phối này có liên kết với các tổ chức tội phạm chủ yếu hoạt động ở Australia.
"Dựa vào kinh nghiệm từng phân phối Phantom nên thấy ngay một khoản lợi nhuận khổng lồ, ba người này đã đồng ý", đặc vụ FBI Nicholas Cheviron cho biết.
Cheviron cho biết Cảnh sát Liên bang Australia đã nhận lệnh tòa án để giám sát các thiết bị ANOM của những người ở nước này hoặc "có mối liên hệ rõ ràng" với Australia.
"Khoảng 50 thiết bị đã được phân phối như một phần thử nghiệm và nó đã thành công", Cheviron nói. "Thông qua việc can thiệp các liên lạc này, AFP đã thâm nhập vào hai trong số các mạng lưới tội phạm tinh vi nhất của Australia".
Đặc vụ Cheviron nói thêm AFP đã "chia sẻ cởi mở" với FBI về bản chất các cuộc trao đổi trên ứng dụng ANOM họ theo dõi, bao gồm buôn bán ma túy và súng. Tuy nhiên, tòa án yêu cầu AFP không chia sẻ nội dung chi tiết tin nhắn cho các đối tác nước ngoài.
Việc sử dụng ANOM ban đầu khá chậm, nhưng đã phát triển vào giữa năm 2019. FBI nhất trí rằng nhà phát triển ANOM nên tăng nguồn cung ở Australia.
FBI khi đó vẫn không nhận được nội dung mã hóa, nhưng đã bắt đầu đàm phán với một quốc gia trung lập để xin lệnh tòa án, cho phép họ can thiệp vào các cuộc trao đổi trên ANOM và cung cấp bản sao cho FBI theo hiệp ước hỗ trợ pháp lý.
Vào tháng 10/2019, quốc gia trung lập nhận được đồng thuận của tòa án, cho phép họ sao chép dữ liệu từ một máy chủ của ANOM và chuyển nội dung đó cho FBI 2-3 ngày một lần. Thời điểm này, FBI cho biết đã có vài trăm người dùng ANOM trên thế giới, chủ yếu ở Australia.
Kể từ đó, đặc vụ Cheviron cho biết quốc gia trung lập đã gửi hơn 20 triệu tin nhắn từ tổng cộng 11.800 thiết bị cho FBI. Khoảng 9.000 thiết bị vẫn hoạt động khi chiến dịch được công bố, với hầu hết người sử dụng ở Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Australia và Serbia.
Dữ liệu về các tin nhắn từ ANOM cũng tiết lộ "nhiều vụ án tham nhũng cấp cao ở một số quốc gia", đồng thời cho biết nhiều thông tin nhạy cảm đã được các thành viên của cơ quan thực thi pháp luật, liên quan tới hoạt động của cảnh sát, đã được chuyển cho tội phạm.
Reece Kershaw, ủy viên AFP, nói ông không tin cảnh sát Australia liên quan tới các vụ tham nhũng mà chiến dịch Lá chắn Trojan phát hiện.
224 người đã bị buộc tội hình sự, 104 khẩu súng và vũ khí bị thu giữ cùng gần 45 triệu USD tiền mặt. Kershaw nói 21 âm mưu giết người đã bị phá, trong đó có âm mưu định sử dụng súng máy tại một quán cà phê.
Tại bang Victoria, cảnh sát xác nhận thông tin thu thập qua ANOM đã được sử dụng để thực hiện bốn cuộc điều tra giết người gần đây.
Trong khi đó, giới chức New Zealand đã bắt 35 người với cáo buộc buôn bán mua túy và rửa tiền, thu số tài sản trị giá hơn 2,6 triệu USD.
Kershaw xác nhận AFP đã lần đầu tiên sử dụng sửa đổi luật viễn thông và các sửa đổi khác được thông qua năm 2018 trong chiến dịch Lá chắn Trojan. Tuy nhiên, Kershaw và Thủ tướng Scott Morrison cho biết chiến dịch này cũng được sử dụng để thúc đẩy các luật cứng rắn hơn nhằm vào tội phạm có tổ chức.
"Họ cần sức mạnh để thực hiện công việc", Thủ tướng Morrison nói. "AFP và các cơ quan thực thi pháp luật khác được quốc hội ungr hộ để tiếp tục thực hiện công việc mà họ đang làm nhằm đảm bảo an toàn cho người dân Australia".
Báo cáo của FBI không nêu lý do Australia được chọn làm đối tác cho chiến dịch Lá chắn Trojan. Song một trong những nguyên nhân có thể là vì người phát triển ANOM đã có sẵn mối liên hệ với các nhóm tội phạm ở Australia.
"Tôi sẽ để Mỹ nói những điều họ muốn trong các tuyên bố với truyền thông", Morrison nói. "Nhưng điều tôi biết là Cảnh sát Liên bang Australia và lực lượng thực thi pháp luật ở các bang của chúng tôi là những người giỏi nhất trên thế giới. Đó là lý do các quốc gia như Mỹ chọn hợp tác với chúng tôi".
Không rõ tay buôn ma túy hợp tác với FBI, hay chính là người phát triển ANOM, có được giảm án hay không, nhưng tính đến tháng 5, FBI đã trả cho người này 120.000 USD "phí dịch vụ" và hơn 59.500 USD "chi phí đi lại và sinh hoạt".
Thanh Tâm (Theo Guardian, NDTV)