Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây tuyên bố Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) phải hoàn thành quá trình hiện đại hóa vào năm 2035 và phấn đấu trở thành "lực lượng đẳng cấp thế giới" vào năm 2050.
Chuyên gia quân sự Andrei Kotz của Nga cho rằng PLA sẽ phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện tham vọng này, tập trung vào 4 mũi nhọn chính, theo RIA Novosti.
Theo chuyên gia Kotz, với lực lượng thường trực hơn 2 triệu người, PLA là đội quân đông đảo nhất thế giới, trong đó phần lớn quân số tập trung ở lục quân, phục vụ học thuyết quân sự thiên về tác chiến trên bộ.
Tuy nhiên, trong tác chiến hiện đại, vai trò của lục quân đang ngày càng giảm sút, nhường chỗ cho không quân và hải quân, buộc PLA phải thực hiện những cải cách toàn diện để có xây dựng được một lực lượng tác chiến toàn cầu.
Đầu tư cho vũ khí hiện đại
Chuyên gia Vasily Kashin thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho rằng quân đội Mỹ đang tích cực triển khai "Chiến lược bù đắp thứ ba" (Third offset strategy) nhằm mục đích duy trì lợi thế tối ưu về quân sự của Mỹ thông qua việc phát triển các loại vũ khí mới, hiện đại nhất. Trung Quốc tất nhiên sẽ không thể khoanh tay đứng nhìn đối thủ lớn nhất chiếm được lợi thế trong lĩnh vực trọng yếu này.
Với ngân sách quốc phòng năm 2017 ước tính lên đến 200 tỷ USD, mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc hiện nay là đẩy mạnh phát triển công nghệ quân sự hiện đại. Hồi đầu năm, Bắc Kinh thành lập ủy ban Phát triển quân sự - dân sự do đích thân ông Tập điều hành. Ủy ban tập trung vào nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ quốc phòng cũng như các chiến thuật, chiến lược quân sự mới.
Kotz nhận định một trong những tham vọng lớn nhất của ông Tập trong quá trình xây dựng quân đội "đẳng cấp thế giới" là hiện đại hóa lực lượng lục quân truyền thống.
Lục quân Trung Quốc hiện có khoảng 8.000 xe tăng chiến đấu, trong đó một phần ba là loại tăng T-59 lạc hậu về công nghệ được phát triển dựa trên phiên bản T-55 của Liên Xô.
"Theo chương trình tái trang bị cho lực lượng tăng thiết giáp, các mẫu xe cũ sẽ dần được loại biên và thay thế bằng các mẫu hiện đại như Type-96 và Type-99. Mới đây, quân đội Trung Quốc đã khởi động dây chuyền sản xuất hàng loạt mẫu tăng tối tân VT-4, được các chuyên gia nhận định có thiết kế 'lai' giữa xe tăng thế hệ thứ ba và thứ tư", chuyên gia Nga nói.
Ngoài ra, các lực lượng khác như pháo binh, phòng không-không quân của Trung Quốc cũng đang tích cực được hiện đại hóa bằng cách biên chế những vũ khí mới do nước này tự sản xuất.
Dòng tiêm kích J-7 lạc hậu sẽ được thay thế bằng các máy bay chiến đấu đa năng hiện đại và ưu việt hơn như J-10 và J-11. Bắc Kinh dự kiến đưa vào hoạt động chính thức phiên bản chiến đấu cơ tàng hình thế hệ năm J-20 vào năm 2019.
PLA cũng đang lên kế hoạch hoàn thiện mẫu máy bay ném bom chiến lược mới vào năm 2035 nhằm thay thế các phi đội oanh tạc cơ H-6 vốn được phát triển dựa trên phiên bản Tu-16 của Liên Xô.
Xây dựng hải quân toàn cầu
Theo Kotz, tốc độ hiện đại hóa của hải quân của PLA thời gian qua đã gây bất ngờ lớn cho giới phân tích quốc tế.
"Chỉ trong vòng 10 năm, lãnh đạo Trung Quốc đã khởi động các chương trình chế tạo tàu nổi và tàu ngầm, trong đó có cả tuần dương hạm và tàu sân bay nhằm tập trung nâng cao năng lực viễn chinh và khả năng vận chuyển vũ khí trong khoảng cách rất xa", Kotz đánh giá.
Tháng 7, hải quân PLA điều tàu đổ bộ cơ động (MLP) Donghaido và tàu vận tải đổ bộ Type 071 để hỗ trợ việc xây dựng căn cứ nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc tại Djibouti, châu Phi.
Kotz phân tích rằng việc chế tạo thành công MLP được coi là thành tựu quan trọng của Trung Quốc, bởi trước đó Mỹ là nước duy nhất thiết kế được loại tàu chiến này. Trên thực tế, Donghaido là một đơn vị hải quân độc lập, có thể trở thành chỗ đứng chân để tập kết lực lượng trên vùng biển đối phương.
Trung Quốc sắp hoàn thiện tàu sân bay nội địa đầu tiên 001A và được kỳ vọng sở hữu một hạm đội tàu chiến uy lực này vào năm 2035. Theo chuyên gia Kashin, tàu sân bay thứ ba của Bắc Kinh sẽ sở hữu nhiều thiết bị hiện đại như hệ thống phóng điện từ, động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân và nhiều công nghệ tiên tiến khác.
"Nó có thể mang được nhiều máy bay chiến đấu hơn, hoạt động dài ngày trên biển hơn 001A. Với những tàu sân bay này, hải quân Trung Quốc có thể triển khai lực lượng ở bất cứ đâu trên đại dương. Trung Quốc hoàn toàn đủ khả năng chế tạo những tàu này", Kashin phân tích.
Phát triển vũ khí siêu thanh
Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực nhằm bắt kịp Mỹ trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh và công nghệ vũ trụ. Tình báo Mỹ xác nhận trong năm 2017, Trung Quốc tiến hành tổng cộng 7 vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh DZ-ZF (Mỹ định danh là Wu-14). Đây là vũ khí cho phép Bắc Kinh thực hiện các đòn tấn công chiến lược chính xác nhằm vào mục tiêu của đối phương mà những hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay không thể đánh chặn, bởi tốc độ của nó lên trên 6000 km/h (gấp 5 lần vận tốc âm thanh).
PLA cũng đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới mang tên Đông Phong-41, có khả năng mang 10-12 đầu đạn hạt nhân để tấn công nhiều mục tiêu độc lập ở khoảng cách 15.000 km.
Ngoài ra, máy bay không người lái cũng là lĩnh vực mà Bắc Kinh đang tập trung nỗ lực nghiên cứu. Hồi tháng hai, Học viện Không gian vũ trụ Trung Quốc tuyên bố chế tạo thành công thiết bị bay không người lái sử dụng năng lượng mặt trời có khả năng bay liên tục trong nhiều tháng.
Về công nghệ vũ trụ, Trung Quốc hiện đứng thứ hai sau Mỹ về số lượng vệ tinh quân sự và tiếp tục xây dựng hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu. Vào cuối năm 2015, Bắc Kinh đã bắt đầu xây dựng hệ thống cảnh báo các đợt tấn công bằng tên lửa đặt trong không gian.
Nguyễn Hoàng