![trung-quoc-co-the-tang-nang-luc-tac-chien-xa-bo-sau-dai-hoi-dang](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/10/14/chinese-navy-7866-1507950460.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=t8Sop64Pkz4bKKC97rCiAA)
Hải quân Trung Quốc được dự đoán sẽ ngày càng gia tăng năng lực hoạt động đại dương. Ảnh: Sina.
Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 sẽ diễn ra vào tuần tới, dự kiến thông qua việc ông Tập Cận Bình tiếp tục giữ chức Tổng bí thư và bí thư Quân ủy Trung ương trong 5 năm tới. Điều này sẽ cho phép ông Tập đẩy mạnh nỗ lực cải cách quân đội Trung Quốc ở mức lớn chưa từng có từ năm 1949, nhằm giảm vai trò của lục quân, tăng khả năng phối hợp và tác chiến trên biển của hải quân và không quân, theo Forbes.
Nỗ lực tái cơ cấu quân đội được ông Tập khởi động cách đây 4 năm, nhằm cắt giảm 300.000 binh sĩ và tránh làm tăng đột biến ngân sách quốc phòng. Vào thời điểm đó, quân đội Trung Quốc có lực lượng thường trực khoảng 2,26 triệu binh sĩ, thuộc diện đông đảo nhất thế giới.
Với việc cắt giảm chủ yếu lực lượng thuộc lục quân, ông Tập cho thấy tham vọng xây dựng một lực lượng quân sự chú trọng vào không quân và hải quân. Ông còn thay đổi đáng kể cấu trúc chỉ huy của quân đội Trung Quốc, nhằm tăng khả năng phối hợp giữa các quân binh chủng, đặc biệt là tăng sức mạnh tác chiến trên biển.
Bình luận viên Ralph Jennings cho rằng những cuộc xung đột quy mô lớn, đòi hỏi quyền chỉ huy từ bộ tư lệnh trung ương của Trung Quốc, nhiều khả năng sẽ diễn ra trên biển, đặc biệt là trong bối cảnh nước này có tranh chấp lãnh thổ với một loạt quốc gia láng giềng và cuộc khủng hoảng Triều Tiên.
Với việc tiếp tục nắm quyền trong ít nhất 5 năm sau đại hội đảng, ông Tập sẽ có đủ thời gian và nguồn lực để thúc đẩy nỗ lực cải cách này. Nó cũng cho thấy ông Tập nắm nhiều quyền lực trong quân đội hơn những người tiền nhiệm, học giả Joel Wuthnow và Phillip Saunders tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia ở Washington, Mỹ, nhận định.
Chủ tịch Trung Quốc dự kiến duy trì ngân sách đáng kể cho nỗ lực cải cách, chính phủ Trung Quốc có thể công bố tiến trình này trong năm nay.
"Nếu quá trình cải cách thành công, quân đội Trung Quốc có thể triển khai lực lượng hỗn hợp đủ sức thực hiện nhiều hoạt động quân sự quy mô khác nhau, bao gồm cả những cuộc chiến lớn chống lại quân đội Mỹ và đồng minh ở Tây Thái Bình Dương, cũng như Đài Loan", hai học giả Mỹ đánh giá.
Trung Quốc đang nỗ lực đưa lực lượng quân sự ra nước ngoài, gần đây nhất là tới căn cứ khổng lồ ở Djibouti, cho thấy Bắc Kinh đang phát triển lực lượng hải quân xa bờ (nước xanh), thay vì chỉ giới hạn ở nhiệm vụ phòng thủ gần bờ (nước nâu).
Quá trình tái cấu trúc dưới thời ông Tập phản ánh mong muốn tăng cường sức mạnh của quân đội Trung Quốc trên bộ, dưới biển và trên không.
Rất ít chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ phát động một cuộc chiến tranh tổng lực. Nước này sẽ chỉ dùng sức mạnh quân sự để gia tăng yêu sách chủ quyền trên biển, đồng thời buộc Ấn Độ liên tục cảnh giác với tranh chấp biên giới trên bộ và giành ưu thế trong đàm phán ngoại giao.
"Tôi cho rằng quân đội Trung Quốc sẽ tham gia ngày càng nhiều hoạt động xa các vùng lãnh thổ của họ. Phương án và thời điểm sử dụng sức mạnh quân sự ở nước ngoài vẫn là đề tài tranh cãi tại Trung Quốc, cũng là yếu tố cần theo dõi trong 5 năm tới", phó giáo sư Oriana Mastro tại đại học Georgetown nhận xét.
![trung-quoc-co-the-tang-nang-luc-tac-chien-xa-bo-sau-dai-hoi-dang-1](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/10/14/xi-jinping-military-parade-6269-1507950460.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RMaTR-1DuFkGIgjX4nZKHw)
Ông Tập trong lễ duyệt binh kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
Tử Quỳnh