Canh rau đay
Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết canh rau đay là món ăn thanh nhiệt, rất thích hợp trong ngày nắng nóng. Lá, hạt hay toàn cây rau đay đều có tác dụng riêng.
Lá rau đay tính vị mát, tác dụng lợi tiêu hóa, nhuận tràng và giải nhiệt do hàm lượng chất nhầy trong cao. Hạt có vị đắng, không độc, tác dụng hoạt huyết, bổ tim. Toàn cây tính lạnh, vị đắng, tác dụng giải nhiệt, kháng viêm, mát máu, cầm máu, an thai, đề phòng đột quỵ do sốt nóng. Trong thành phần hóa học của rau đay có chứa 78,3% nước, 5,3% protein, ngoài ra còn có các khoáng chất.
Rau đay có thể nấu cùng cua đồng, mồng tơi, rất ngon miệng và mát ruột. Ngoài ra, rau đay luộc ăn hàng ngày chữa chứng phụ nữ ít sữa, người già táo bón.
Canh rau dền đỏ
Rau dền đỏ hay rau dền tía có nguồn gốc ở Ấn Độ, được trồng ở nhiều nước, tạo ra nhiều loại khác nhau tùy theo dạng cây và màu sắc của lá. Rau có thể được xào, nấu canh, sử dụng làm thuốc.
Hạt rau dền vị ngọt, tính lạnh, chứa 62% tinh bột và 6% chất béo. Lá rau nhiều vitamin A, C, B2. Lá và hạt chứa hàm lượng protid rất cao, 16-18%, trong đó axit amin quan trọng là lysin nhiều hơn trong ngô bắp gấp 3-3,5 lần.
"Hạt của rau dền có giá trị dinh dưỡng hơn lúa, lúa mì, ngô và đậu tương", lương y Sáng nói.
Rau dền có thể được sắc uống lợi tiểu, luộc ăn hoặc nấu canh, tác dụng mát gan, trừ phong nhiệt. Hạt rau dền 10 g tán sắc với nước hạt muồng ngủ sao khoảng 12 g, chữa mờ mắt.
Canh rau ngót
Ở nước ta, rau ngót mọc hoang và được trồng ở khắp nơi. Lá cây nấu với tôm, tép hoặc cá lóc, cá rô, thịt lợn nạc là món ăn ngon, bổ dưỡng. Canh rau ngót bổ mát, thanh nhiệt, giải độc, thích hợp trong ngày hè nắng nóng.
Trong rau ngót chứa 86,4% nước, khoáng toàn phần 2,4%, ngoài ra còn có các axit amin. Rau có tính vị mát, tác dụng điều hòa nội tạng, tắng cường cơ năng tiêu hóa và bài tiết. Loại cây này cũng được dùng làm thuốc.
Rau ngót lượng đủ dùng sắc uống chữa sót nhau ở phụ nữ sau sinh. Rau ngót có thể nấu với bầu dục lợn cùng rau bầu chữa mồ hôi trộm, chán ăn.
Thúy Quỳnh