Có lần ba chở tôi đi học về khi trời đã khuya, nhìn những chú xe ôm ngủ gục bên góc đường, ba nói: "Con thấy không, mấy chú vất vả quá trời, đêm hôm rồi mà không được về nhà ngủ, vẫn phải ráng kiếm cuốc chạy. Tụi con ráng học thì sau này đỡ vất vả, đầu tư cho giáo dục là không bao giờ lỗ". Còn mẹ tôi nói: "Nhà có bao nhiêu tiền lo cho tụi mày ăn học hết, đứa nào học thì sau này sướng, đứa nào không học mai sau khổ ráng chịu. Ba mẹ không có của để dành cho tụi mày đâu".
Sau này, khi đi du học thạc sĩ và ở lại làm việc nơi xứ người, tôi thầm cảm ơn ba mẹ ngày ấy đã rót vào đầu mình những suy nghĩ như thế về giáo dục. Đôi khi tôi thầm nghĩ một đứa nhà quê như mình, lớn lên xung quanh những người lao động nghèo, đã có thể đi vài nơi, sống ở vài quốc gia và giao du với nhiều người từ mọi ngóc ngách trên quả đất này, tất cả đều nhờ ba mẹ dạy dỗ và nhắc nhở từ khi còn bé. Giờ lâu ngày gặp lại bạn bè cũ, tôi thường nói tụi nó: "Ráng cho tụi nhỏ ăn học nha mày ơi. Không sau này khổ lắm".
"Học nhiều làm gì, tỉ phú thế giới có ai tốt nghiệp đại học đâu". Hồi đi học đại học, tôi nghe rất nhiều những quan điểm tương tự như thế. Có lần tôi đã lặp lại điều đó với ba, ông hỏi: "Trên thế giới được mấy người như vậy hả con?".
Thật sự là như vậy mọi người ạ, đại đa số chúng ta đều lặp đi lặp lại những ví dụ tương tự nhưng quên hỏi: "Xác suất những người như thế trong xã hội 7 tỷ dân này là bao nhiêu phần trăm? Có phải 90% số người nghỉ học đại học đều thành tỉ phú nổi tiếng thế giới không, hay chỉ là 0.0001% trong số đó?". Câu hỏi này tôi xin phép để bạn tự chiêm nghiệm và tìm ra câu trả lời. Một sự thật rất trần trụi là đại đa số chúng ta đều là những người bình thường. Bill Gate hay Mark Zuckerbeg thật vĩ đại nhưng họ không đại diện cho số đông. Con đường học vấn, suy cho cùng vẫn là đường dễ đi và bền vững cho tương lai của mỗi thế hệ.
"Học cho lắm rồi kiếm được bao nhiêu tiền rồi mày": Nếu ai đó hỏi bạn câu này, xin đừng nổi nóng. Thế hệ ông cha ta xưa kia, trải qua chiến tranh, thiên tai, cuộc sống bộn bề lo toan "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nên học hành có mục đích cuối cùng là để thoát nghèo. Điều này hoàn toàn đúng và dễ hiểu. Học vấn tuy có thể không khiến ta giàu "nứt đố đổ vách" nhưng đảm bảo một cuộc sống tạm gọi là đầy đủ và tiêu chuẩn, ít ta không còn sống bữa nay lo bữa mai như ông bà ta ngày trước.
Tuy nhiên, ngoài việc học rộng hiểu nhiều để có công việc tốt, lương cao, cuộc sống tiêu chuẩn thì học vấn còn giúp ta mở ra những chân trời mới, có cái nhìn thấu đáo và bao quát hơn những việc xảy ra trong cuộc sống. Giúp ta vượt qua những biến cố của cuộc đời một cách nhẹ nhàng và khoan khoái hơn. Tôi xin phép được nói rằng, học vấn giúp con người bớt "vô minh", bước đến hành trình hiểu rõ bản thân là ai, mong muốn điều gì trong cuộc sống này, điều gì là chính là phụ, mình nên ưu tiên ai và cái gì.
Hơn nữa, tôi nghĩ con người càng học sẽ càng bao dung hơn, có thể nhìn thấu những "điểm đen" trong tâm hồn người khác, để thương cảm họ nhiều hơn. Ví dụ khi bạn thấy một người nào đó khoe ảnh túi hiệu, siêu xe trên mạng xã hội, thay vì cảm thấy gay gắt và khó chịu bởi người này đang khoe khoang quá đà, bạn sẽ hiểu rằng những người này đang cần sự "chuẩn nhận" (validation) từ người khác. Họ cần thiết cho sự "chuẩn nhận" xuất phát từ việc họ thiếu tự tin với chính, hoặc đang thiếu điều gì đó trong cuộc sống riêng tư. Bởi lẽ, không có người nào giàu có, hạnh phúc lại liên tục thuyết phục người khác rằng tôi đang rất hạnh phúc đây, đúng không? Khi bạn đã nhìn thấu điều đó, sẽ không còn thấy khó chịu nữa mà có thể sẽ "thương" người bạn của mình hơn.
"Học vấn giúp chúng ta tiến lên trong cuộc sống một cách bền vững". Vốn dĩ cuộc sống này không có gì là mãi mãi, những người ta yêu thương hôm nay, những của cải mà ta có hiện tại, có thể ngay ngày mai sẽ rời xa. Thế nhưng học vấn sẽ giúp bạn đỡ chông chênh hơn. Với tài sản là học vấn thì bạn vẫn có thể bắt đầu và gây dựng lại mọi thứ. Một người quen của tôi hôn nhân không mấy hạnh phúc sau vài năm chung sống cùng chồng, cô nói muốn ly hôn nhưng không dám. Lý do là công việc hiện tại của cô lương rất thấp, không có đủ khả năng để nuôi các con. Cô ước gì năm xưa ráng học hành thêm chút, có công việc thu nhập khá hơn, ít phụ thuộc vào chồng hơn thì có lẽ đã không khổ sở như này.
Nếu bạn được thừa hưởng của cải từ gia đình, xin chúc mừng vì là người rất may mắn; chỉ cần bạn không tiêu phá hoang phí thì cuộc sống khá dễ thở. Nếu bạn không thừa hưởng gì từ gia đình nhưng có học vấn, có giáo dục, xin hãy kiên nhẫn vì từ từ sẽ có mọi thứ. Tôi tin mỗi người đều có những nhìn nhận riêng về việc học. Hy vọng những gì tôi viết trên đây sẽ chạm đến nhiều người, để mọi người sẽ cố gắng cho con cái đến trường hơn, thay vì những câu nói như: "Không cần học đâu con, tỉ phú toàn bỏ học không đó". Như thế sẽ rất lệch lạc và con em chúng ta sau này sẽ ảo tưởng rất nhiều về cuộc sống này.
Minh
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.