Theo Verywellhealth, ba loại vaccine gồm vaccine sốt da vàng, cúm và dại chứa một lượng nhỏ protein trứng vì chúng được nuôi cấy trong trứng hoặc trong phôi gà con. Điều này khiến nhiều người có tiền sử dị ứng trứng gặp phải nguy cơ khi tiêm vaccine. Tuy nhiên, mỗi vaccine trên chứa hàm lượng protein trứng khác nhau nên một số loại vẫn được coi là an toàn hơn cho người bị dị ứng trứng.
Vaccine ngừa bệnh dại
Bệnh dại do một loại virus nguy hiểm gây ra khi lây truyền qua vết cắn của động vật bị nhiễm bệnh. Một khi các triệu chứng bắt đầu, bệnh hầu như luôn gây tử vong.
Có nhiều loại vaccine khác nhau trên thị trường phòng bệnh dại, được tiêm sau khi đã phơi nhiễm với virus. Tuy nhiên, hầu hết các loại vaccine này đều được nuôi cấy trong phôi gà và không được coi là an toàn cho những người bị dị ứng trứng nghiêm trọng.
Hiện có 5 vaccine phòng dại được cấp giấy đăng ký lưu hành và đã được nhập khẩu hoặc có thể được nhập khẩu vào Việt Nam. Những vaccine này chống chỉ định với người dị ứng trứng nghiêm trọng.

lNgười dị ứng trứng cần cân nhắc trước khi tiêm vaccine sốt da vàng, cúm và dại. Ảnh: Cevelandclinic
Vaccine ngừa cúm
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo, tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm phòng cúm hàng năm. Tuy nhiên, những người bị dị ứng với trứng cần có những biện pháp phòng ngừa đặc biệt, vì hầu hết tất cả các loại vaccine cúm đều được nuôi cấy trong trứng gà.
Có một loại vaccine cúm khác là Flublok, do Tập đoàn Khoa học Protein sản xuất, không sử dụng trứng gà trong quá trình sản xuất. Flublok được chấp thuận cho bất kỳ ai từ 18 tuổi trở lên.
Đối với trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi bị dị ứng trứng, CDC khuyến khích tiêm phòng cúm thường xuyên, nhưng phải dưới sự giám sát của cơ sở y tế có chuyên môn nhằm xử lý kịp thời các phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Tại Việt Nam hiện có các loại vaccine cúm tam giá và tứ giá phòng các chủng virus cúm gây gánh nặng bệnh tật lớn hiện nay là chủng cúm A (A/H3N2, A/H1N1) và chủng cúm B (Yamagata, Victoria). Các vaccine này được chống chỉ định tiêm với người có tiền sử dị ứng trứng nghiêm trọng (có các triệu chứng khác ngoài phát ban sau khi tiếp xúc với trứng).
Vaccine ngừa sốt vàng
Sốt vàng da là một bệnh nghiêm trọng do muỗi gây ra, có tỷ lệ tử vong cao, phổ biến ở các vùng của Nam Mỹ và châu Phi.
Tuy nhiên, tất cả các loại vaccine phòng sốt vàng da đều được nuôi cấy trong trứng và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khuyên những người có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng nên tránh tiêm vaccine này. Những người có phản ứng dị ứng nhẹ hơn có thể tiêm vaccine ngừa sốt vàng hoặc xét nghiệm dị ứng với chính vaccine để xem liệu có thể tiêm hay không.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Việt Nam đến nay chưa ghi nhận bệnh nhân sốt vàng. Biện pháp dự phòng hiệu quả nhất đối với bệnh sốt vàng là tiêm phòng vaccine. Vaccine thường sử dụng là 17D sống, giảm độc lực, an toàn cao, chế tạo từ phôi gà, được tiêm dưới da cho người từ 9 tháng tuổi trở lên, dùng 1 liều duy nhất, hiệu lực đạt trên 90% và có thể duy trì kháng thể bảo vệ lâu dài. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao trong vùng dịch lưu hành nên tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm.
Vaccine sốt vàng được quy định tiêm bắt buộc cho người đi đến từ vùng có bệnh lưu hành và đi vào vùng có bệnh dịch sốt vàng.
Anh Chi