Bắp cải
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết bắp cải là cây có lá rộng, lượng sóng, thân to và cứng, trồng ở nhiều nơi.
Các nhà nghiên cứu xác định trong cải bắp tươi có 90% nước, còn lại là chất xơ, calo, muối khoáng, vitamin C. Đặc biệt hàm lượng vitamin C trong cải bắp cao, chỉ kém cà chua, gấp 4,5 lần so với cà rốt và 3,6 lần so với khoai tây, hành tây.
Trong đông y, cây vị ngọt, tính lạnh, tác dụng lợi tiểu, giải độc, cung cấp lưu huỳnh cho cơ thể. Cách chế biến thành thức ăn như luộc, xào với thịt, làm nộm... Bắp cải luộc ăn và uống nước trị tiểu buốt, tiểu rắt.
Lương y Sáng cho biết, người châu Âu từ thời thượng cổ đã biết sử dụng bắp cải làm thuốc, mệnh danh "thầy thuốc của người nghèo".
Bài thuốc trị đau dạ dày, bệnh đường ruột, viêm họng ho, như sau: cải bắp tươi cùng đường và muối, ép lấy nước uống trong hai tháng. Thông thường một kg bắp cải cho 500-700 ml nước ép.
Trong cải bắp có chất chống viêm loét vitamin U rất dễ phân hủy ở nhiệt độ cao, do đó phải ép lấy nước dùng.
Cải bẹ trắng
Cải bẹ trắng còn gọi là cải thìa, cải bắp dài, dài khoảng 25-30 cm hoặc hơn, lá chụm ở đất, màu lục tươi, nhiều gân, cuống dẹp. Các lá ngoài màu lục nhạt, hơi cứng dùng nấu canh ăn như các loại rau cải khác. Lõi bắp cuộn lại ở phía trong, trắng và mềm, có thể dùng ăn sống như xà lách, nấu lẩu hoặc xào ăn cũng ngon, ngọt...
Trong đông y, cải bẹ trắng vị đắng, tính ngọt, tác dụng lợi tiểu. Lương y Sáng cho biết hạt cải bẹ trắng sắc uống cùng dấm trị mụn nhọt, sưng tấy, đau nhức.
Cải soong
Cải soong gốc châu Âu, nhập về miền nam từ cuối thế kỷ 19, sau đó lan dần ra phía bắc và các địa phương khác. Loài cây này trồng ở những nơi có dòng nước chảy, rãnh nước, ven bờ suối, ao, giếng đất...
Cải soong chứa 65,5% nước, 20% phosphor, vitamin C và muối khoáng... Trong đông y, cây vị hơi cay, tính mát, tác dụng kích thích tiêu hóa (nhờ chất dầu sulfonito), cung cấp chất khoáng, chống thiếu máu, lợi tiểu, giảm đường huyết, giải độc, chủ trị tiểu đường, trị ho, suy nhược cơ thể, kém ăn, mất ngủ, các bệnh về ung nhọt, bệnh đường tiết niệu...
Cải soong có thể làm thành món ăn vị thuốc. Ví dụ, chữa bệnh scorbut (tình trạng thiếu hụt vitamin C), giã 100 g cải soong vắt lấy nướt cốt uống. Cải soong nhai, ngậm chữa viêm răng lợi. Cải soong giã, đắp chữa lở loét, hắc lào hoặc giã lấy nước cốt uống chữa bệnh đái tháo đường. Cải soong tươi cùng đường, giã, vắt lấy nước cốt pha uống hoặc sắc uống giải cảm mùa hè.