Chè mè đen
Mè đen hay vừng đen có tên khoa học là Sesaumtraicum, đông y gọi là hắc chi ma, người Trung Quốc gọi chè mè đen là chi - ma - phù. Mè đen có vị ngọt, tính bình, không độc, đi vào các kinh, tỳ, can, thận, có tác dụng bổ ích cao, thận, dưỡng huyết, nhuận tràng, bổ ngũ tạng, làm sáng mắt, phát triển bắp thịt.
Theo cuốn Món ăn bài thuốc, hạt mè đen có trên 50% chất dầu, 20% protid. Hoa mè ngâm nước đắp lên mắt làm mát mắt, mắt khỏi khô và sáng mắt. Nước sắc lá và rễ mè đen làm thuốc mọc tóc, làm cho tóc đen. Hạt mè đen sao qua, giã vụn (muối mè đen) ăn hàng ngày cho lợi sữa, dùng cho phụ nữ cạn sữa nhuận tràng. Viên hoàn mè đen, hà thủ ô, ngưu tất dùng để bồi bổ cơ thể.
Chè hạt sen
Làm chè hạt sen gồm các nguyên liệu là hạt sen, long nhãn, đại táo, nước vắt dừa khô, đường, bột đậu xanh.
Hạt sen đi vào các kinh, tâm, tỳ, thận, tác dụng bổ tỳ, dưỡng tâm, dùng để trị mất ngủ và thần kinh suy nhược. Trong đông y, hạt sen còn gọi là liên nhục, vị ngọt, tính bình, hơi chát, tác dụng bổ tâm tỳ, chủ trị yếu mệt, mất ngủ, kém ăn. Long nhãn có tính bổ dưỡng, bổ tâm tỳ, trị mất ngủ, thần kinh suy nhược, kém trí nhớ. Đại táo có vị ngọt, tính ôn, đi vào hai kinh tỳ, vị, bổ tỳ vị, ích khí, an thần, tiêu viêm, hòa giải các vị thuốc khác. Đậu canh có tính giải độc, còn đường để dẫn thuốc vào tỳ vị.
Chè hạt sen có tính bổ dưỡng, an thần, thanh nhiệt. Dân gian thường có câu: "Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh hoa lý, nấu chè hạt sen". Cả 3 món chim le le, hoa thiên lý, chè hạt sen đều có tính bổ dưỡng, thanh nhiệt, giải độc.
Thạch chè
Nguyên liệu làm thạch chè gồm thạch đậu váng trắng, bột đậu xanh, nước cốt dừa khô, đường.
Thạch lấy từ rong biển, có vị nhạt, tính mát. Thạch có tác dụng nhuận tràng, thanh nhiệt, giải khát. Đậu ván và đậu xanh cũng đều có tính mát. Món chè này phối hợp các chất có tính mát dùng để thanh nhiệt, giải độc.
Người mập, béo phì nên ăn thạch không có đường.
Thúy Quỳnh