"Sau các vụ tập kích tên lửa tiếp theo từ Nga, tôi yêu cầu Đức chuyển các khẩu đội Patriot, vốn dự kiến đến Ba Lan, sang Ukraine và triển khai chúng ở biên giới phía tây", Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak ngày 23/11 cho biết. "Điều này sẽ bảo vệ Ukraine khỏi các sự cố mất điện khác, cũng như bảo vệ bên giới phía đông của chúng tôi".
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht ngày 24/11 cho biết việc triển khai các hệ thống phòng thủ của NATO, trong đó có tên lửa phòng không Patriot, ra ngoài lãnh thổ của liên minh phải được tất cả quốc gia thành viên đồng ý.
"Điều quan trọng với chúng tôi là Ba Lan có thể dựa vào đồng minh, ngay cả trong những thời điểm khó khăn, và đặc biệt là Ba Lan ở vị trí dễ tổn thương", bà Lambrecht nói. "Đó là lý do chúng tôi đề nghị hỗ trợ tuần tra trên không và triển khai tổ hợp Patriot".
Bà Lambrecht giải thích tên lửa Patriot là một phần trong lực lượng phòng không tích hợp của NATO, do đó có thể đưa ra đề xuất triển khai chúng tại Ba Lan. "Những đề xuất khác với điều này phải được thảo luận với NATO và các đồng minh của chúng tôi", bà Lambrecht nói.
Đức ngày 21/11 đề nghị triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa, trong đó có Patriot, tại Ba Lan để tăng cường năng lực phòng không cho quốc gia Đông Âu. Đề nghị được đưa ra sau vụ tên lửa rơi vào ngôi làng của Ba Lan gần biên giới với Ukraine ngày 15/11 khiến hai người thiệt mạng. NATO nhận định đây là tên lửa phòng không Ukraine được triển khai để đánh chặn tên lửa Nga, trong khi Kiev bày tỏ nghi ngờ về đánh giá này.
MIM-104 Patriot là tên lửa phòng không do Mỹ phát triển và được quân đội nước này biên chế từ năm 1981. Biến thể PAC-2, hay MIM-104C, có thể bắn trúng mục tiêu cách xa hơn 96 km và bay cao hơn 32.000 m, theo Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ.
Biến thể mới nhất trong dòng Patriot là PAC-3, còn gọi là MIM-104F, là bản nâng cấp gần như toàn bộ có khả năng diệt các mối đe dọa trên không như tiêm kích, máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)