Theo Green, runner thường chạy với ba mục tiêu chính: đạt một kết quả, hoàn thành một quy trình hoặc theo đuổi một lối sống.
Với người mới nhập môn, mục tiêu thường gắn với thành tích cụ thể như hoàn thành cự ly 5km, 10km hoặc chinh phục mốc sub2 cho bán marathon. Đây là dạng mục tiêu có thể đo lường, giúp người chạy dễ dàng lên kế hoạch, theo dõi tiến trình và duy trì động lực. Trong các nhóm chạy, việc công khai mục tiêu cá nhân cũng trở thành cách gắn kết, thúc đẩy nhau tiến bộ.

Claire Green là thành viên của đội tuyển điền kinh Mỹ. Ảnh: Runnersworld
Khi đã chạy đều một thời gian, nhiều người chuyển sang mục tiêu quy trình – như duy trì lịch chạy ba buổi mỗi tuần hoặc đều đặn thực hiện một buổi interval, một buổi long run. Những kế hoạch kiểu "nếu là thứ Ba, tôi sẽ chạy 30 phút" tưởng chừng đơn giản, nhưng lại là nền tảng để hình thành thói quen dài hạn. Một nghiên cứu trên British Journal of Health Psychology cho thấy, người xây dựng thói quen bằng cách lên kế hoạch cụ thể có khả năng duy trì hành vi cao hơn tới 91% so với nhóm không có lịch trình rõ ràng.
Với runner lâu năm, mục tiêu chạy bộ không còn gắn với thành tích hay lịch tập mà trở thành một phần của lối sống. Dù không có giải đấu nào trong kế hoạch sắp tới, họ vẫn tiếp tục xỏ giày. Claire Green cho rằng đây là cấp độ mục tiêu bền vững nhất, bởi nó nuôi dưỡng mối quan hệ lâu dài giữa người chạy và môn thể thao họ yêu thích.
Giữa một cộng đồng chạy bộ ngày càng lớn mạnh, việc đặt mục tiêu phù hợp không chỉ giúp runner duy trì động lực mà còn là cách họ nhắc nhở bản thân vì sao mình bắt đầu. Với một người, đó có thể là cảm giác chạm đích sau nhiều tháng tập luyện; với người khác, là một buổi sáng không báo thức vẫn tự giác ra đường, như một phản xạ tự nhiên. Với không ít người, việc chạy đơn giản là khoảng thời gian riêng tư hiếm hoi – một hành vi lặp lại không phải để hơn thua, mà để hiểu mình rõ hơn.

Các VĐV tham dự VnExpress Marathon Volvo All-Star chạy qua khu trưng bày của Puma - hãng đồ thể thao muốn truyền cảm hứng để mỗi người theo đuổi lối sống khám phá tiềm năng bản thân. Ảnh: VM
Một nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Livin tại Australia từng chỉ ra rằng chạy bộ giúp cơ thể tiết ra ba loại hormone chính: endorphin, serotonin và oxytocin – đều liên quan tới cảm xúc tích cực và cảm giác gắn kết. Điều này lý giải vì sao nhiều người bắt đầu chạy vì một mục tiêu cụ thể, nhưng lại ở lại với môn thể thao này vì những điều lớn hơn: một tâm trí sáng rõ, một thói quen bền vững, một lối sống chủ động.
Ba kiểu mục tiêu, từ kết quả, đến quy trình, rồi lối sống, không tồn tại riêng rẽ, mà thường song hành theo từng giai đoạn của người chạy. Bước ra khỏi vạch đích không có nghĩa là cuộc đua đã kết thúc. Với nhiều người, đó mới là lúc họ nhận ra mình đang sống tích cực hơn, không vì chiếc huy chương, mà vì chính phiên bản tốt hơn của bản thân đang dần hình thành từng bước một.
Thái Anh (Theo Rungrl)
