Chiến dịch tranh cử của bà Harris đang thu hút sự quan tâm của những người Mỹ mệt mỏi vì lạm phát. Tuy nhiên, bà cũng nhận được sự ủng hộ của một số lãnh đạo doanh nghiệp nổi bật tại Wall Street.
"So với Tổng thống Mỹ Joe Biden, bà Harris có mối quan hệ với Wall Street tốt hơn", Jeffrey Sonnenfeld - Chủ tịch Viện nghiên cứu Lãnh đạo Yale nhận xét trên CNN.
Hiện tại, quan điểm của bà về doanh nghiệp Mỹ và Wall Street còn khá mơ hồ so với ông Biden. Tuy nhiên, là thượng nghị sĩ bang California, bà có cách tiếp cận cởi mở hơn đối với Thung lũng Silicon - nơi tập trung các công ty lớn nhất của Mỹ. Đến nay, các gã khổng lồ tại Wall Street cũng đang mở hầu bao, mang lại nguồn tài chính đáng kể cho chiến dịch tranh cử của Harris. Trong quá khứ, nhóm này có xu hướng ủng hộ các ứng cử viên đảng Cộng hòa.
Tại Đại hội Đảng Dân chủ hôm 20/8, cựu CEO American Express Ken Chenault đã lên tiếng ủng hộ Harris: "Bà ấy biết rằng nền kinh tế thị trường cần một chính phủ mạnh mẽ và hiệu quả. Kamala Harris hiểu rằng chúng ta cần biến những ý tưởng tốt thành các công ty thịnh vượng. Chúng ta có thể tạo ra các công việc lương cao bằng cách giúp hãng sản xuất phát triển".
Ông cũng cảnh báo đối thủ của bà Harris - cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - rằng chính sách tăng thuế nhập khẩu quy mô lớn "sẽ chỉ làm giá cả tăng lên, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và giảm số việc làm".
Dù vậy, từ trước khi Harris công bố các đề xuất kinh tế, Roger Altman - Chủ tịch ngân hàng đầu tư Evercore tháng trước cho biết trên CNBC rằng ông ủng hộ Harris và dự báo chiến dịch của bà "nhận được nhiều tài trợ".
Chủ tịch Blackstone Jonathan Gray đã đóng góp 413.000 USD cho chiến dịch của bà Harris hồi cuối tháng 7, nguồn tin của CNN cho biết. Alex Soros, con trai tỷ phú đầu tư George Soros, cũng lên tiếng ủng hộ Harris trong một bài đăng trên X tháng trước. Bản thân George Soros cũng ủng hộ Harris, người phát ngôn của ông cho biết. CEO công ty đầu tư Avenue Capital Group Marc Lasry đã quyên góp 100.000 USD cho chiến dịch của bà Harris, theo dữ liệu của Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ.
Sonnenfeld giải thích rằng Harris có mối quan hệ với Wall Street tốt hơn Biden, nhờ tiết chế quan điểm về chênh lệch giàu nghèo. Bên cạnh đó, trong thời gian làm Tổng chưởng lý California, bà cũng được đánh giá là làm việc công tâm.
"Bà ấy đã truy tố các hành vi lạm dụng quyền lực, nhưng không coi quy mô của doanh nghiệp là hành vi sai trái. Bà ấy biết rằng doanh nghiệp phát triển mạnh là tốt cho nền kinh tế và người lao động Mỹ", Sonnenfeld nói.
Dĩ nhiên, Trump cũng nhận được sự hậu thuẫn của nhiều ông trùm Wall Street. Tỷ phú đầu tư Bill Ackman ủng hộ Trump làm Tổng thống trong một bài đăng trên X vào tháng 7. CEO Blackstone, Stephen Schwarzman hồi tháng 3 cũng cho biết ông ủng hộ nỗ lực tái tranh cử của cựu tổng thống. Nhà sáng lập Key Square Group Scott Bessent cũng tham dự cuộc vận động tranh cử của Trump ở Asheville, North Carolina.
Chính sách và quan điểm kinh tế của bà Harris
Burns McKinney - Giám đốc NFJ Investment Group nói rằng một số nhà đầu tư lớn thích cam kết giảm thuế doanh nghiệp và áp thuế nhập khẩu của Trump hơn các chính sách kinh tế theo chủ nghĩa dân túy của bà Harris. Vì chúng có thể thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, các đề xuất của Trump có thể khiến thâm hụt ngân sách tăng cao. Nâng thuế nhập khẩu cũng sẽ buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển chi phí xuống người tiêu dùng, thông qua tăng giá sản phẩm. Cả hai điều này có thể kéo lạm phát lên cao - điều vẫn đang là mối quan tâm hàng đầu của Wall Street.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất mạnh tay từ hơn hai năm trước, nhằm ghìm lạm phát có thời điểm vượt 9% vào tháng 6/2022. Tháng trước, số liệu này đã về dưới 3%, khiến nhà đầu tư kỳ vọng Fed có thể đưa lạm phát về mục tiêu mà không gây ra suy thoái.
Dĩ nhiên, các chính sách của Harris cũng có thể gây lạm phát. Đề xuất của bà tập trung vào việc giảm chi phí nhà ở, thực phẩm, chăm sóc trẻ em, chủ yếu thông qua giảm thuế với tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp. Dù vậy, khi người dân có nhiều tiền hơn để chi tiêu, nhu cầu hàng hóa và dịch vụ cũng sẽ lên cao, từ đó kéo giá cả tăng theo.
Đầu tuần này, chiến dịch của Harris cũng cho biết sẽ tăng thuế thu nhập doanh nghiệp lên 28% từ mức hiện tại là 21%. Đây là sự đảo ngược so với chính sách cắt giảm thời Trump. Một số nhà đầu tư đã chỉ trích đề xuất này, với lý do nó có thể làm suy yếu các công ty Mỹ và giảm tốc nền kinh tế.
Ở chiều ngược lại, việc Trump cam kết tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc và các nước khác cũng có thể gây ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Việc này sẽ tạo ra bất ổn - điều mà các nhà đầu tư không mong muốn.
Ngoài chính sách thương mại, nhà đầu tư cũng lo ngại về phong cách quản lý nếu Trump trở lại Nhà Trắng. Trump từng công khai chỉ trích các công ty biểu tượng của Mỹ như Harley-Davidson, Delta và cả Nike.
"Wall Street ghét tính khí thất thường của Trump. Tính cách của ông ấy sẽ tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính", Sonnenfeld nói.
Sự độc lập của Fed
Một vấn đề quan trọng khác đối với Wall Street khi quyết định ủng hộ ai có thể là thái độ của người đó với sự độc lập của Fed.
Fed hoạt động độc lập với các chính trị gia, đưa ra các quyết định có ảnh hưởng lớn đến hướng đi của kinh tế Mỹ và các thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, đầu tháng này, Trump cho biết: "Tôi cảm thấy ít nhất thì tổng thống cũng nên có tiếng nói. Với trường hợp của mình, tôi rất thành công, kiếm được nhiều tiền nên trong nhiều hoàn cảnh sẽ có trực giác tốt hơn quan chức hoặc Chủ tịch Fed". Trong khi đó, bà Harris khẳng định sẽ không tác động đến cơ quan này.
Sự độc lập của Fed giúp USD giữ vị trí là tiền tệ dự trữ của thế giới. Từ đó, chính phủ Mỹ có khả năng đi vay mạnh tay bằng cách phát hành trái phiếu với lãi suất thấp, dù khối nợ công đã lên kỷ lục 35.000 tỷ USD. Vì vậy, nếu Tổng thống Mỹ muốn gây ảnh hưởng lên Fed, cơ quan này sẽ mất uy tín.
"Điều đó sẽ thực sự gây ra vấn đề", Gerald Goldberg - CEO GYL Financial Synergies cảnh báo.
Mối quan hệ của Harris với các ông trùm Wall Street cũng có thời điểm căng thẳng. Đặc biệt khi bà còn là Tổng chưởng lý bang California và đối đầu với các ngân hàng lớn sau cuộc khủng hoảng nhà ở.
Dù vậy, Harris cũng đã gây dựng mối quan hệ với nhiều doanh nhân, và dự kiến xin lời khuyên của các nhân vật này về chính sách kinh tế. Hồi tháng 7, bà tham gia một cuộc nói chuyện với những người ủng hộ, do Phó chủ tịch JPMorgan Peter Scher tổ chức.
Nguồn tin của CNN cho biết bà Harris gần đây còn mời CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon ăn trưa tại Nhà Trắng. Dù vậy, người phát ngôn của Dimon cho biết ông sẽ "không bao giờ ủng hộ một ứng cử viên cụ thể nào".
Hà Thu (theo CNN, Reuters)