Hôm 19/8, chiến dịch tranh cử của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết bà đề xuất tăng thuế với doanh nghiệp từ 21% hiện tại lên 28% nếu đắc cử cuối năm nay. Đây là một trong các cách hợp lý "nhằm đưa tiền quay trở lại túi của người lao động và đảm bảo các tỷ phú, tập đoàn trả thuế tương xứng".
Khi Donald Trump làm Tổng thống Mỹ, ông đã giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 21%, đồng thời áp dụng nhiều ưu đãi thuế khác sẽ hết hạn năm tới. Trong chiến dịch tranh cử lần này, Trump cam kết duy trì vĩnh viễn những chính sách cắt giảm trên.
Dù vậy, Ủy ban Ngân sách Liên bang Mỹ (CRFB) - một tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ - ước tính chính sách giảm thuế và hỗ trợ việc làm của cựu tổng thống có thể khiến thâm hụt ngân sách nước này tăng thêm 5.000 tỷ USD đến năm 2035. Ngược lại, việc nâng thuế của bà Harris sẽ giúp Mỹ giảm thâm hụt 1.000 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Những thay đổi với chính sách thuế của Mỹ đều cần Quốc hội nước này thông qua. Đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn đang cạnh tranh sát sao để kiểm soát Thượng viện và Hạ viện. Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ cũng sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay.
Bà Harris cũng cam kết giữ nguyên đề xuất chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden, là không tăng thuế với những người có thu nhập dưới 400.000 USD một năm. Những gia đình mới sinh con cũng sẽ được hỗ trợ giảm thuế 6.000 USD. Trong buổi công bố chính sách tuần trước, bà khẳng định nếu đắc cử, ưu tiên hàng đầu sẽ là "hạ giá và đảm bảo sự an toàn về kinh tế cho người Mỹ".
Harris cũng tính ngăn tình trạng thao túng giá của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm. Bà còn đề xuất hỗ trợ 25.000 USD cho người trả tiền thuê nhà đúng hạn trong 2 năm, khi họ mua nhà lần đầu, đồng thời xây thêm 3 triệu căn nhà cho người dân. Bên cạnh đó, Harris sẽ thúc đẩy việc tăng lương tối thiểu và giảm thuế với tiền hoa hồng trong lĩnh vực dịch vụ.
Chiến dịch tranh cử của bà Harris cũng chỉ trích kế hoạch kinh tế của Trump. Họ nói rằng việc giảm thuế doanh nghiệp mạnh tay và nâng thuế nhập khẩu của cựu tổng thống sẽ khiến lạm phát tăng cao.
Hà Thu (theo Reuters)