Đại diện Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, cho biết trước nhập viện 30 phút, bệnh nhân nặng ngực tăng dần, tự uống thuốc không bớt. Rạng sáng 31/12/2020 bà được đưa đến một phòng khám gần nhà, hôn mê sâu, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Án Tây Ninh cấp cứu. Lúc này, bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở.
Các bác sĩ liên tục hồi sức tích cực, giúp bệnh nhân thở và có nhịp tim trở lại. Kết quả đo điện tim cho thấy bà bị nhồi máu cơ tim cấp, phải can thiệp mạch vành ngay.
Bằng hệ thống máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền (DSA), các bác sĩ đã nong và đặt stent mạch vành cho bệnh nhân thành công. Hiện, sức khỏe bà ổn định và hồi phục tốt.
Chuyên gia y tế khuyến cáo, nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến đột tử, hoặc để lại những di chứng như suy tim, loạn nhịp tim... Vì thế, khi phát hiện dấu hiệu nhồi máu cơ tim, bắt buộc đưa ngay bệnh nhân vào bệnh viện. Lựa chọn hàng đầu là các bệnh viện có đơn vị can thiệp mạch vành cấp cứu, tuyệt đối không được tự điều trị tại nhà.
Can thiệp mạch vành được xem là phương pháp điều trị tốt nhất hiện nay cho chứng nhồi máu cơ tim. Kỹ thuật này giới hạn tác dụng trong 12 giờ đầu sau khi xuất hiện cơn đau thắt ngực. Hiệu quả can thiệp tốt nhất trong vòng một giờ đầu tiên. Mạch vành bị tắc được tái thông, tái tưới máu nuôi vùng cơ tim bị thiếu máu. Cơn đau tim giảm hoặc hết đau ngực ngay lập tức. Cơ tim hồi phục và không bị hoại tử. Bệnh nhân có thể trở về cuộc sống và hoạt động thể lực gần như bình thường trong nhiều năm sau.
Đối với người bệnh nhồi máu cơ tim, bác sĩ khuyên nên thay đổi lối sống, như bỏ thuốc lá, hạn chế thức ăn dầu mỡ, muối mắm... Người có bệnh nền đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu... phải duy trì sử dụng một số thuốc đặc hiệu, để điều trị và phòng ngừa nhồi máu cơ tim tái phát.
Thư Anh