Thứ hai, 1/7/2024
Thứ sáu, 13/11/2020, 15:41 (GMT+7)

Bà giáo 26 năm dạy chữ miễn phí cho trẻ thiểu năng

Hà NộiĐều đặn 8h30, bà Nguyễn Thị Côi, 78 tuổi, ngụ quận Hoàng Mai, bắt xe ôm đến nhà văn hóa để dạy chữ cho những đứa trẻ thiểu năng.

"Cô đến, cô đến", cậu học sinh cao chừng 1,8 m chạy lon ton từ gốc cây roi trong Nhà văn hóa số 2 Tân Mai, quận Hoàng Mai, vội bước vào lớp. Từ cánh cổng, bà Nguyễn Thị Côi bước xuống xe ôm, xách theo túi đồ lớn đi vào. Suốt nhiều năm qua, không kể nắng mưa, cứ 8h30 hàng ngày từ thứ hai tới thứ sáu, bà giáo già đều đi 1,5 km từ nhà đến lớp.

Bà Côi dạy học miễn phí cho trẻ em khó khăn từ năm 1994, khi còn là Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Bà thường đến dãy trọ ở khu Bạch Mai để dạy trẻ em đường phố (bán báo, đánh giày) ở các tỉnh thành đổ về Hà Nội.

Năm 1998, bà về hưu, quyết định mở lớp dạy học miễn phí cho học sinh tự kỷ, thiểu năng trí tuệ. Từ chỗ không có phòng học tử tế, bà đã vận động để quận Hoàng Mai sắp xếp một phòng học nhỏ, giúp những đứa trẻ thiếu may mắn có cơ hội học tập như bạn bè đồng trang lứa. Ngày nay, lớp học của bà Côi mang tên "Lớp học linh hoạt" nằm ở cuối hành lang tầng 1, Nhà văn hóa số 2 Tân Mai.

Học sinh của bà Côi chủ yếu là trẻ thiểu năng trí tuệ. Trong 23 em đang theo học, nhỏ nhất là 8 tuổi, lớn nhất hơn 30 tuổi. Có em đã học 5 năm trong trường phổ thông, đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, nhưng không biết viết. Có em gắn bó với lớp bà Côi đến 15 năm nhưng vẫn chỉ học đi học lại bảng chữ cái. Và có em đã đọc thông, viết thạo và bắt đầu học phép cộng, trừ.

Tùy khả năng, đặc điểm của từng em, bà Côi sắp xếp việc dạy linh hoạt, bao gồm dạy chữ, toán và kỹ năng sống. Bà xếp lịch trực nhật hàng ngày cho học trò như một cách để các em rèn luyện kỹ năng.

Quanh lớp học của bà Côi là bảng, giấy bìa ghi chữ cái, âm vần trong tiếng Việt. Riêng với tấm bảng xanh, nội dung chia thành 3 phần. Cột bên trái ghi các chữ cái, cột phải là các vần và phía dưới là góc bảng trống để ghi những gì đang dạy hoặc học sinh đang thắc mắc.

Nắn nót từng nét chữ lên góc bảng còn trống, bà bảo "Ở lớp có học sinh học 3 tháng không thuộc nổi chữ t, tôi phải làm như vậy để các em nhìn đâu cũng thấy chữ và vần".

Đang hướng dẫn đọc vần, thấy một học sinh chưa dở sách vở, bà Côi đi xuống nhắc. "Tôi khá nghiêm khắc với học trò, thậm chí nói thẳng rằng nếu không học thì không được đến lớp nữa. Nói rồi các em giở sách ra ngay", bà giáo nói.

Dù vậy, bà Côi không bao giờ mắng hay đánh học trò. Có lần bị học sinh cắn bầm tím tay, bà bình tĩnh hỏi "Sao em lại cắn cô như vậy". Cái cười lớn của cậu học trò khiến bà Côi xúc động. Bà hiểu các em không suy nghĩ được nhiều, có chăng chỉ là yêu quý cô giáo mà muốn gần gũi.

Nguyên (25 tuổi), gắn bó với lớp đã hơn 10 năm nay nhưng chỉ học đi học lại bảng chữ cái vì thường phải nghỉ học để chữa bệnh. Thay đổi lớn nhất của Nguyên là từ lúc không thể cầm nắm được, giờ đã có thể cầm bút tập viết.

Bà Côi bảo dạy những "đứa trẻ" như Nguyên cần kiên trì, "giống như uốn cây nếu uốn mạnh ngay tức thì cây sẽ gãy". Mỗi ngày, bà phải chỉnh tay học trò từng chút một. Dù phải mất cả năm, thậm chí 2-3 năm trò mới có thể cầm bút, bà vẫn xem đó là "chuyện bình thường".

Với học sinh tập đánh vần, bà gọi từng em lên bàn mình, chỉ từng chữ để đọc. Sai chữ nào, bà sửa lại chữ đó. Bà Côi cho biết, cách dạy này mất thời gian và công sức, nhưng học sinh có thể "xóa mù".

Bà Côi hướng dẫn Khánh Linh đọc từng chữ cái. Thước kẻ chỉ đến đâu, cô gái 14 tuổi đọc đến đó. Được bà khen đọc giỏi, cô gái liên tục nói "Sau này con sẽ làm giáo viên để giúp cô".

Bà Lê Thị Liên, 75 tuổi, bà ngoại của Linh, cho biết đưa Linh đi học ở lớp bà Côi suốt 6 năm nay. "Bà Côi rất nhiệt tình, uốn nắn bọn trẻ từng chút một. Bà nghiêm lắm nhưng học trò lại rất thích. Giờ có bảo nghỉ ở nhà, nhất định cháu không nghỉ", bà Liên nói.

Bà Côi dùng kim chỉ gắn lại cuốn tập tô bị bung bìa của học trò. Ở lớp học này, nhiều em hiếu động. Hỏng sách vở, mất bút thước là chuyện thường. Bà vẫn thường xuyên trích lương hưu mua đồ dùng học tập, quần áo, chăn màn và tiền khám bệnh cho các học trò.

Trên bàn của bà giáo già là tủ thuốc với đủ loại như dầu gió, nước rửa tay, thuốc cảm cúm "để phòng khi mình hay học sinh đau ốm".

"Đi học vui lắm. Em yêu cô giáo", Tùng, 25 tuổi, lớp phó của lớp nói.

11h, lớp học của bà Côi kết thúc. Các học trò đổ ra sân chơi, chờ bố mẹ đến đón, thi thoảng bà giáo già phải nhắc nhở các em không được nghịch ngợm, đánh nhau.

"Với tôi, còn đi được và minh mẫn là còn dạy học. Làm sao tôi có thể bỏ được học trò", bà Côi nói, trong lúc đứng quan sát học trò chơi.

Lớp học của bà Côi
 
 

Lớp học của cô giáo Côi. Video: Dương Tâm

Ngọc Thành - Dương Tâm