Buổi họp phụ huynh sáng chủ nhật đầu năm học ở lớp 10 Song ngữ 2, cô Bình tổ chức trò chơi với sự tham gia của 25 phụ huynh. Bật chiếc TV kết nối với máy tính, cô nói: "Tôi có rất nhiều slide. Mỗi slide gồm 10 điều về sở thích, điểm mạnh, điểm yếu, món ăn ưa thích của một học sinh. Các bác hãy đọc những điều được chiếu trên màn hình và đoán xem đó có phải con mình"?
Các ý mô tả về học sinh lần lượt hiện lên màn hình. Có phụ huynh nhận ra ngay con mình, đứng bật dậy dõng dạc nói "Đó là con tôi". Cô Bình tươi cười thông báo câu trả lời chính xác. Cô chiếu hai hình ảnh về học sinh đó trên màn hình. Một là ảnh thời thơ bé. Một là bức ảnh con chụp cùng gia đình. Phụ huynh vừa xúc động, vừa bất ngờ vì không biết cô sưu tầm những hình ảnh này từ bao giờ.
Ngược lại, một số phụ huynh không nhận ra con mình, có người từ chối con. Cô Bình chỉ cười không trách. Cũng có phụ huynh nhận ra bạn của con mình. Cô Bình hỏi "Làm cách nào bác lại hiểu con và bạn con như vậy"? Sau khi phụ huynh chia sẻ cách làm của mình, cô liền chúc mừng và ngỏ lời khen "Bác là người mẹ tuyệt vời. Bác không những hiểu con mà còn luôn luôn lắng nghe những câu chuyện của con ở lớp".
Một trò chơi tưởng chừng chỉ mang lại không khí vui vẻ, giúp mọi người bớt căng thẳng trong buổi họp phụ huynh nhưng nó lại là tâm huyết nhiều đêm của cô Bình. Không nói thẳng những thông điệp nhưng thông qua trò chơi, cô Bình khiến phụ huynh phải tự ngẫm, tự biết cần làm gì, phải thay đổi ra sao để hiểu và đồng hành cùng con.
"Cách chia sẻ, kết nối với con của những ông bố, bà mẹ này là bài học quý giá cho phụ huynh khác và hiệu quả hơn bất kỳ thông điệp, lời nói giáo điều nào từ giáo viên - những người thậm chí không có nhiều trải đời bằng họ", cô Bình nói.
Trò chơi nhận diện con giúp cô Bình truyền tải được nhiều điều ý nghĩa đến phụ huynh. Thế nhưng, cô giáo dạy Văn không cho phép trò chơi đó xuất hiện ở buổi họp phụ huynh những kỳ sau đó. Với cô, 9 năm làm chủ nhiệm, 27 buổi họp phụ huynh, dù vẫn bao hàm nội dung tổng kết, không buổi họp nào giống nhau ở cách thức tiến hành.
Trong buổi sơ kết học kỳ I vào tháng 1 vừa rồi, sau phần chia sẻ ở trường, cô Bình cùng phụ huynh đi ăn trưa rồi xem phim ở rạp. Chiều tối hôm đó, tất cả kéo nhau lên phố đi bộ, ngồi quây quần thành vòng, cô đánh guitar, phụ huynh hát.
Anh Trần Vượng, phụ huynh lớp 10 Song ngữ 2, thấy thú vị với cách làm của cô Thu Bình ở mỗi buổi họp phụ huynh. "Cô giúp chúng tôi có thêm những cách để gần gũi, hiểu con hơn và cũng trở nên gắn bó, tin tưởng cô hơn", anh Vượng nói.
Phụ huynh này thông tin thêm, cô Bình còn có nhiều cách làm khiến phụ huynh phải bất ngờ. Đầu năm học, khi cô mới nhận lớp, gia đình kể về tính cách của con cho cô nghe nhưng rồi phải ngạc nhiên vì cô đã nắm toàn bộ đặc điểm, tính cách của từng bạn trong lớp.
Ở một buổi họp khác, cô Bình mời tất cả 25 học sinh đến dự cùng phụ huynh. Sau phần sơ kết hoạt động chung của lớp do bí thư, lớp trưởng trình bày, 100% các con được lên thuyết trình về những gì đã làm và những điều cần cố gắng. Có học sinh trình bày trên tờ A0, có em dùng Power Point. Từ đó, phụ huynh tự nhận ra con đã thay đổi ra sao trong suốt một học kỳ ở trường.
Cũng trong buổi họp đó, cô Bình gửi tới mỗi phụ huynh một lá thư cảm ơn hoặc xin lỗi của học trò. Các con không hề biết nó được gửi tới bố mẹ bởi đó là bài kiểm tra nhỏ trong một tiết học do cô Bình đứng lớp. Nhiều phụ huynh bất ngờ. Có ông bố xúc động khi cầm lá thư tâm sự của con trai.
Cũng có lần, cô Thu Bình cho học sinh lên thể hiện tài năng. "Chắc chắn, qua cả một kỳ học, mỗi con đều thay đổi. Có con ban đầu nhút nhát, sau dám chơi guitar trước tập thể. Có con tự tin thể hiện khả năng thuyết trình. Các con trở thành phiên bản hoàn hảo hơn của chính mình và cần được thể hiện điều đó", cô Bình chia sẻ.
Dù thiết kế buổi họp với những cách tiếp cận khác nhau giúp phụ huynh hiểu con hơn, cô Bình vẫn giữ cho mình một số nguyên tắc nhất định. Cô không chê học sinh trước mặt phụ huynh bởi cho rằng sẽ phản giáo dục. Vì vậy, cô không bao giờ photo bảng điểm chung của cả lớp mà chỉ in điểm của từng con. Cô Bình muốn phụ huynh tập trung vào sự tiến bộ của con so với chính con ngày trước thay vì so sánh với những bạn khác.
Với những lỗi nhỏ của học sinh mà mình có thể kiểm soát và giúp khắc phục, cô Bình giữ nguyên tắc không làm phiền phụ huynh, đặt tiêu chí tôn trọng học sinh lên hàng đầu. Ví dụ, con bảo chỉ muốn chia sẻ với cô, cô Bình sẽ không kể lại với bố mẹ. "Tất nhiên, có trường hợp đặc biệt cần sự phối hợp của phụ huynh, tôi sẽ trao đổi riêng và yêu cầu tôn trọng quyền riêng tư của con", cô Bình nói.
Nguyên tắc nữa của cô Bình là kết nối với phụ huynh mọi lúc, mọi nơi và bất cứ khi nào họ cần. Với lớp cô Bình, phụ huynh có thể trao đổi với giáo viên qua các cuộc gọi, tin nhắn, nhóm Zalo. Nếu đang trong giờ dạy, cô xin phép không nghe điện. Nhưng ngay khi hết giờ, cô sẽ gọi lại cho phụ huynh.
Cô Bình cho biết không chỉ cô mà rất nhiều giáo viên trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tuân thủ những nguyên tắc này. Chính cô cũng rút ra những bài học trên từ đồng nghiệp đi trước. Cô kể hàng tuần, hàng tháng, trường đều tổ chức các buổi họp rèn chuyên môn, học chuyên đề. Ở đó, giáo viên được chia sẻ những câu chuyện của bản thân để mọi người cùng lắng nghe, học hỏi hay góp ý.
"Cách kết nối phụ huynh, tạo ra những buổi họp thú vị được tôi học hỏi và kế thừa từ những chia sẻ của giáo viên khác. Họ giúp tôi tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm, trở nên tốt hơn, yêu và muốn gắn bó với nghề hơn", cô Bình nói.
Trong dịp kỷ niệm 25 năm thành lập trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, cô Thu Bình được vinh danh là nhà giáo tài năng, được trao huy hiệu vàng dành cho giáo viên chủ nhiệm giỏi.