Giáo sư, tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), nghiên cứu viên thử nghiệm lâm sàng Covivac, cho biết thời gian sàng lọc và tiêm liều thứ nhất vaccine được thực hiện từ ngày 21/1 đến cuối tháng 2-3/2021. Ngày cuối cùng để tiêm các liều của giai đoạn một vào tháng 5/2021. Trong tháng 6-7, nhóm nghiên cứu sẽ phân tích, sàng lọc kết quả của giai đoạn một.
Giai đoạn hai bắt đầu vào tháng 7-8 và kết thúc vào tháng 9, tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, Thái Bình, dự kiến trên 420 người. Người tình nguyện cho giai đoạn hai được lựa chọn từ người dân thuộc các xã ở huyện Vũ Thư. Từ tháng 9-11, nhóm nghiên cứu phân tích kết quả thử nghiệm giai đoạn hai và tuyển tình nguyện viên cho giai đoạn 3 bắt đầu vào tháng 11.
Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), cho biết thử nghiệm vaccine nhanh nhưng phải tối ưu. "Nếu thuận lợi thì hết năm 2021, đầu 2022 có vaccine để sử dụng", ông nói.
Covivac là vaccine Covid-19 thứ hai của Việt Nam được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng, do IVAC phát triển, sản xuất bằng công nghệ phôi trứng gà. Nhóm nghiên cứu nuôi cấy virus trong trứng gà, sau đó hút lấy virus đã nhân bản để tinh chế, lọc tách, bất hoạt, không còn khả năng gây bệnh rồi đưa vào bào chế vaccine.
Sáng 21/1, IVAC phối hợp với NIHE và Trường Đại học Y Hà Nội để tuyển tình nguyện cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một. Giai đoạn này để kiểm tra tính an toàn và dò liều vaccine. Có 5 nhóm tiêm trong giai đoạn một gồm liều 1 mcg, 2 mcg, 10 mcg, 1 mcg vaccine pha tá chất, nhóm tiêm giả dược là dung dịch nước muối vô trùng. Mỗi nhóm sẽ nhận 2 liều tiêm, cách nhau 28 ngày.
Theo tiến sĩ Thái, các liều tiêm ít hơn vaccine Nanocovax do nguyên lý sản xuất và nguyên lý tạo miễn dịch khác biệt, không nên căn cứ vào hàm lượng để so sánh hai loại vaccine. Nanocovax là vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm lâm sàng, hiện đi được một nửa giai đoạn một. Nanocovax thử nghiệm trên ba nhóm tình nguyện viên, tiêm các liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg. Kết quả sơ bộ, vaccine an toàn trên những liều tiêm ban đầu, chỉ gây phản ứng phụ nhẹ như đau nhức vùng tiêm, sốt nhẹ.
Trước lo ngại biến chủng nCoV có thể khiến vaccine không còn hiệu quả, tiến sĩ Thái cho biết biến đổi virus chưa ảnh hưởng tới vùng gene S được lựa chọn làm kháng nguyên của vaccine. Kháng nguyên là vật liệu di truyền của virus đưa vào cơ thể để tạo miễn dịch. Vì vậy, ông cho rằng vaccine vẫn có hiệu quả ngừa Covid-19. Trong trường hợp virus biến đổi quá nhiều, các nhà khoa học sẽ bàn bạc kế hoạch sau.
"Tôi có niềm tin về nền tảng khoa học công nghệ và thành tựu đã đạt được, tin rằng đây là vaccine có tiềm năng và hy vọng trong tương lai", tiến sĩ Thái nói.
Chi Lê