Người dùng kit sẽ nhận được một trong ba kết quả: dương tính nCoV và dương tính Omicron; dương tính nCoV và âm tính Omicron; âm tính cả nCoV và Omicron.
Thông thường, kết quả xét nghiệm PCR có sau khoảng vài giờ đến một ngày, bao gồm thời gian lấy mẫu, hậu cần và tải lên kết quả xét nghiệm. Các nhà khoa học sẽ mất thêm một ngày nữa để giải trình tự gene, xác định biến chủng cụ thể. Việc sử dụng kit đặc hiệu phát hiện biến chủng Omicron sẽ đẩy nhanh quá trình đó.
Ưu điểm khác của bộ dụng cụ PCR đặc hiệu là dạng đông khô, có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng tới một năm. Sau khi lấy mẫu, các nhà khoa học sẽ nhúng tăm bông vào dung dịch trộn sẵn, sau đó đưa hỗn hợp qua máy PCR. Kết quả có trong 90 phút kể từ khi lấy mẫu.
Ông Jimmy Toh, Giám đốc BioAcumen Global, cho biết: "Chúng tôi đang tìm cách cắt giảm các bước và thời gian thử nghiệm cần thiết. Điều này rất quan trọng, đặc biệt là ở khu vực cần xét nghiệm chính xác tại chỗ. Khi ấy, bạn không cần đợi kết quả giải trình tự gene để biết người bệnh có nhiễm Omicron hay không".
Theo các nhà khoa học, Omicron có hơn 30 đột biến trên protein. Nó cũng thiếu một đoạn gene so với các biến chủng trước đó. Bộ công cụ của Singapore có thể phát hiện sự thiếu hụt này. Hiện nhóm nghiên cứu có thể tạo ra tới 8.000 bộ xét nghiệm đông khô và 25.000 xét nghiệm dung dịch kiểu truyền thống trong một ngày.
Omicron xuất hiện lần đầu tại Botswana vào ngày 11/11, sau đó được Nam Phi phát hiện và công bố hôm 24/11, khi số ca nhiễm ở nước này tăng theo cấp số nhân chỉ trong vài tuần. Hai ngày sau, WHO tuyên bố xếp biến chủng này vào danh sách "đáng lo ngại".
Giới khoa học có nhiều ý kiến trái chiều về Omicron. Một số người cho rằng vaccine sẽ kém hiệu quả so với biến chủng. Số khác nhận định cộng đồng không nên quá hoang mang, vaccine hiện tại vẫn có tác dụng và không cần sản xuất thế hệ mới.
Thục Linh (Theo Straits Times)