Năm đầu tiên, 2 vợ chồng ăn Tết với cái bánh chưng to đẹp nhất từng thấy của một người bạn thân gửi từ Hà Nội vào Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn sang Brussels. Chiếc bánh chưng xanh vuông vức, thơm mùi gạo nếp và đỗ xanh, lần đầu tiên chồng được ăn không khỏi ngạc nhiên sao ngon thế, hấp dẫn thế. Thế là có thêm một món ăn ngon nữa trong thực đơn của chàng.
Năm thứ hai, gia đình tôi có thêm thành viên mới, cả nhà về Việt Nam đón Tết. Hoa đào, bánh chưng, hương thơm bàn thờ… không khí Tết truyền thống còn giữ nguyên trong gia đình tôi ở Việt Nam.
Sau rất nhiều năm, bố mẹ tôi có đầy đủ gia đình của 2 cô con gái rượu trong một cái Tết sum vầy, đầm ấm. Khu phố nhà tôi, trước giờ đón giao thừa chung vui ngoài bếp lửa, uống rượu, ăn thịt nướng. Sau giờ đón giao thừa, mọi người cùng sang nhà nhau chúc Tết. Tôi lớn lên với những kỷ niệm như thế trong nhiều năm tuổi thơ.
Năm thứ ba, hẹn với Mai Nga, bao giờ biết ở đâu gói bánh chưng gọi gia đình tôi đi cùng nhé, cho cả nhà có không khí đón Tết và biết cái mùi ngon của bánh chưng được làm như thế nào với bạn trai lớn và bạn trai bé 2 tuổi.
Thế là ngày 26 Tết, chúng tôi có mặt tại một nhà người bạn khác ở Leuven, trong khuôn viên campus cổ kính nổi tiếng. Tôi gặp rất nhiều các chị em Việt Nam làm việc và học tập tại đây, có nhiều chị em sắp sinh em bé nhưng vẫn ngồi lau sạch từng chiếc lá dong, lá chuối.
Tôi có mang theo lá thơm mua được ở siêu thị châu Á để khi nấu cho vào cho xanh bánh và thơm tho như ở nhà hay dùng. Tôi cùng Nga ngồi nắm tròn đậu xanh sau khi hấp. Mấy chị em khác ở trong bếp chuẩn bị thịt rồi đợi gạo tới vì mọi người phân chia nhau ra các khâu chuẩn bị cho kịp, làm tận 40 cái bánh chưng cho 10 gia đình cơ mà. Không khí thật đông vui, lại đúng vào ngày 14/2 nên các câu chuyện về tình yêu giữa lúc này càng thêm rôm rả.
Gạo mang đến thì mới nhớ ra là chưa xóc muối, thế là phải gọi điện cho một bạn khác mang muối đến để gói cho kịp vì muối nhà bạn Hằng chủ nhà vừa hết. Trong khi đợi muối, các chị em gói thử bằng lá chuối, lá dong. Mọi người tìm mua dây rất cầu kỳ, có hình dáng như cái lạt, không màu mè để khi nấu lên giữ được vẻ tự nhiên. Thì ra gói bánh chưng đơn giản hơn tôi biết, không phải cắt lá cầu kỳ như bố tôi hay làm dù không dùng khuôn.
Những đôi bàn tay khéo léo của các chị em xếp gạo vào, rồi cho đậu xanh thơm phức cùng thịt vào, rồi kéo lá gập thành khuôn vuông vức. Tôi không khỏi ngạc nhiên, bất ngờ, gói bánh chưng vừa đơn giản mà lại vừa cầu kỳ, cần sự tỷ mỷ như thế này. Thế là những chiếc bánh đầu tiên ra đời, tôi vui sướng như đứa trẻ được quà, nhìn thấy bánh chưng rõ rệt ngay tại Bỉ, do chính những người bạn Việt Nam tự tay làm, không có khuôn, gói bo hoàn toàn.
Những chiếc bánh được gói bằng lá chuối làm cho tôi nhớ đến quán hàng xén nhà bà Lệnh ở gần nhà bà ngoại tôi hồi xưa. Nhà bà Lệnh bán nhiều thứ trong đó có bánh chưng bằng là chuối ngon ơi là ngon, thi thoảng bà ngoại tôi đi chợ hay mua về cho cả nhà ăn sáng.
Không như ở nhà, luộc bánh trong một cái nồi to khổng lồ với bếp lửa bập bùng, chúng tôi chia ra các nồi vừa tầm mỗi nồi 6 cái, luộc bằng bếp điện. Nhà tôi ở xa được ưu tiên luộc trước. Ngày hôm sau, Tết Việt được tổ chức ở Brussels thì các bạn sẽ mang tới giúp.
Lần đầu tiên, chúng tôi được gặp nhiều người Việt Nam ở Brussels như thế, các giọng nói khác nhau như ở nhà, Bắc Trung Nam thi thoảng í ới. Tôi có nói chuyện với một vài chị em, ai cũng vui mừng vì đón Tết ở đây, bọn trẻ con mặc áo dài truyền thống, vui chơi nhảy múa thoải mái, nhiều chị em và phụ nữ có tuổi mặc áo dài rất đẹp. Chồng tôi rất hào hứng, cậu con trai nhỏ chạy khắp nơi với nhiều bạn khác. Cô gái nhỏ ngạc nhiên nhìn mọi thứ mới mẻ, suốt thời gian kéo dài ấy, bạn ấy vui vẻ, chả quấy khóc gì, mẹ càng thêm phấn khởi, đón Tết tại Brussels, không phải lo thiếu gì nữa.
Chương trình khá dài, chúng tôi ăn các món ăn Việt Nam, bánh dày bánh giò ngon ơi là ngon. Bánh chưng được các bạn mang tới, chồng tôi bảo ăn liền cho có không khí, thế là chiếc bánh chưng đầu tiên của chúng tôi được ăn ngay ở đó cùng với những người bạn khác.
Phải nói thêm rằng, ở Bỉ thịt lợn, thịt bò là một trong những thực phẩm tuyệt hảo, tươi ngon và ngọt, an toàn nữa. Tôi mê thực phẩm và ẩm thực ở nơi này. Tôi đi chợ Tây có đầy đủ mọi thứ, từ cái đuôi lợn, đuôi bò nấu phở cho ngon, cho đến các loại thịt gà khác nhau tha hồ chọn để nấu bún thang hay ăn gà luộc như ở nhà…
Ở Bỉ không thiếu một thứ gì, kể cả các rau thơm, củ quả như nghệ hay gừng, húng… Bây giờ có Tết càng tuyệt làm sao, ai bảo đi xa là thiếu quê hương chứ, càng yêu mến quê hương hơn và yêu nơi đang sống, trân trọng hơn rất nhiều.
Chúng tôi xem múa lân rộn ràng, xem ca nhạc Việt Nam trên sân khấu lớn, được nghe hát bằng tiếng mẹ đẻ. Cứ tưởng phải về sớm vì các bé sẽ mệt nhưng từ lúc 1h chiều đến gần 8h tối, chúng tôi mới chia tay, chào tạm biệt bạn bè.
Từ lúc ấy cho đến lúc này, ngồi viết lại những dòng này, Tết ở Bỉ vẫn còn nguyên không khí như đang Tết ở Việt Nam. Niềm hạnh phúc ấy chúng tôi có được từ những thứ đơn sơ như bánh chưng, như gặp gỡ đông vui người Việt vào thời khắc này.
Tết là như thế, nên không bao giờ lo thiếu Tết, thiếu bánh chưng nữa. Tình yêu với quê hương cũng đơn giản như vậy. Có bánh chưng là có Tết, tôi nói với chồng, cứ lúc nào thèm ăn bánh chưng, em sẽ tự gói và chúng mình có Tết quanh năm.
Như Quỳnh de Prelle
Cuộc thi "Xuân Bốn phương" do VnExpress phối hợp với nhà tài trợ Lenovo tổ chức từ ngày 9/2 đến 8/3/2015. Các độc giả đang sinh sống ở nước ngoài có thể gửi bài dự thi để chia sẻ cảm xúc về mùa xuân, cảm nhận Tết Việt xa quê hương và cách đón Tết của cộng đồng ở các nước khác nhau. Bài dự thi được thể hiện dưới dạng bài viết, thơ, nhạc, ảnh, video, kèm chú thích bằng tiếng Việt có dấu. Có 4 giải tuần dành cho 4 bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất trong từng tuần. Hai giải chung cuộc dành cho bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất sau 4 tuần và bài dự thi xuất sắc do Ban giám khảo lựa chọn. Chi tiết thể lệ và giải thưởng. Gửi bài dự thi tại đây. |