Bác sĩ Huỳnh Trần An Khương, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, khuyến cáo phụ nữ mang thai cần tiêm vaccine phòng viêm phổi, trong bối cảnh mùa hè, nắng mưa thất thường. Thời tiết này khiến nhiều tác nhân gây viêm phổi (cúm, sởi, phế cầu, Covid...) phát triển mạnh. Thai phụ bị viêm phổi có nguy cơ biến chứng nặng do cơ thể ức chế hệ thống miễn dịch tự nhiên để bào thai phát triển.
Suy hô hấp cấp
Suy hô hấp cấp tính (ARDS) là hội chứng gián đoạn trao đổi khí, xảy ra khi phổi bị tổn thương. Tình trạng này khiến phụ nữ mang thai và em bé thiếu hụt oxy, phải thở máy, dùng kháng sinh liều cao. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, hội chứng suy hô hấp có thể ảnh hưởng tới 0,2% thai phụ.
Nhiễm trùng máu
Viêm phổi khi mang thai tạo điều kiện cho ổ nhiễm khuẩn tấn công vào máu, gây nhiễm trùng máu. Ngoài ra, người mẹ có thể suy đa cơ quan như thận, gan, hô hấp, sảy thai, sinh non...
Hiện chưa có thống kê về nhiễm trùng máu do viêm phổi. Các nhà khoa học Đức tổng hợp 1.200 nghiên cứu trên thế giới, kết quả công bố trên The Lancet năm 2018, mỗi năm ước tính có 30 triệu ca nhiễm trùng máu.
Sinh non, sảy thai
Khi thai phụ mắc viêm phổi, triệu chứng sốt cao và độc tính của virus, vi khuẩn có thể tăng kích thích, co bóp tử cung gây sinh non, sảy thai, thai chết lưu. Ngoài ra, bà bầu viêm phổi tăng 2-5% có nguy cơ sinh non, trẻ sinh nhẹ cân, tiền sản giật hoặc thai nhi nhẹ cân so với tuổi thai.
Theo bác sĩ Khương, viêm phổi cũng liên quan tình trạng nhau bong non, thai chậm phát triển, mổ lấy thai và tiền sản giật.
Viêm phổi là tình trạng phế nang trong phổi bị viêm do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Các biểu hiện bệnh thường gặp gồm đau ngực khi thở hoặc ho, ho có đờm, mệt mỏi, sốt, ớn lạnh... Theo Science Direct, viêm phổi do vi khuẩn đứng đầu trong nhóm các nguyên nhân gây tử vong ở phụ nữ mang thai. Tại Mỹ, tỷ lệ tử vong từ 0,5 đến 1 trong 1.000 ca, theo nghiên cứu của nhóm bác sĩ Bệnh viện Đại học Winthrop năm 2011.
Các căn bệnh gây triệu chứng và biến chứng viêm phổi ở thai phụ gồm phế cầu khuẩn, sởi, thủy đậu, cúm, bạch hầu, ho gà, uốn ván... Hiện các bệnh này đều có vaccine phòng ngừa. "Lịch tiêm chủng nên bắt đầu từ khi có kế hoạch mang thai với 5 loại vaccine ngừa những bệnh này", bác sĩ Khương nêu.
Phế cầu: Một mũi phế cầu hiệu quả phòng bệnh đến 97% và giảm 49% khả năng nhiễm các loại virus hô hấp khác. Mũi này tiêm trước khi mang thai tối thiểu một tháng.
Sởi và thủy đậu: Mỗi loại có phác đồ hai mũi, hiệu quả phòng biến chứng viêm phổi lên đến 98%. Thời gian hoàn thành chủng ngừa trước khi mang thai ba tháng.
Cúm: Mũi cúm được chứng minh giảm khoảng một nửa nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và khoảng 72% nguy cơ nhập viện ở thai phụ, 27% tỷ lệ sinh non. Thai phụ tiêm phòng cúm còn giúp truyền kháng thể cho thai nhi, bảo vệ em bé trong sáu tháng đầu đời. Mũi này có thể tiêm trước mang thai hoặc ba tháng giữa và cuối thai kỳ.
Bạch hầu - ho gà - uốn ván: Chủng ngừa vào ba tháng giữa và cuối của thai kỳ. Trẻ sinh ra từ người mẹ tiêm phòng, giảm 91% nguy cơ mắc ho gà trong những tháng đầu đời, so với trẻ có mẹ không chủng ngừa.
Bác sĩ Khương khuyến cáo gia đình, người chăm sóc cũng tiêm vaccine để tránh lây bệnh cho thai phụ. Ngoài chủng ngừa, phụ nữ mang thai nên kết hợp nhiều biện pháp phòng bệnh như hạn chế đến nơi đông người, giữ ấm, uống đủ nước, bổ sung dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý.
Mộc Thảo
Ngày 22/6, Hệ thống tiêm chủng VNVC và Pfizer Việt Nam tổ chức lớp tư vấn sức khỏe thai sản số 26 với ba bài giảng:
- Chế độ ăn cho mẹ bầu tăng huyết áp thai kỳ do BS.CKI Đào Thị Yến Thủy, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trình bày.
- Sức mạnh miễn dịch trong thai kỳ và các loại vaccine quan trọng cho trẻ trong những năm đầu đời, do bác sĩ Huỳnh Trần An Khương, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC trình bày.
- Dinh dưỡng cho con thông minh trong thai kỳ do ThS.BS Trần Thị Hồng Loan, Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome trình bày.
Lớp học diễn ra tại UBND phường Phú Hữu, số 893 Nguyễn Duy Trinh, TP Thủ Đức. Độc giả đăng ký tại đây.