Phan Quốc Dũng (26 tuổi) từng là thủ khoa "kép" (cả đầu vào và đầu ra) của Đại học Lâm nghiệp, tốt nghiệp với điểm GPA 3.87/4.0. Điểm số này góp phần giúp Dũng giành học bổng toàn phần Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu và đã vượt qua hai năm học thạc sĩ ngành Quản lý rừng nhiệt đới bền vững tại Đức và Đan Mạch. Hiện, ngoài công việc chuyên môn, Dũng thường xuyên góp mặt trong các buổi tọa đàm, hội thảo, làm "mentor" cho một số dự án về du học.
Dũng chia sẻ về GPA và bí quyết giúp anh cải thiện điểm số khi học đại học, góp phần làm đẹp hồ sơ xin học bổng du học ở bậc cao hơn:
Trước hết, các bạn cần biết GPA là gì và cách tính điểm GPA.
GPA là chữ viết tắt của "Grade Point Average", điểm trung bình các môn học. Có thể hiểu đơn giản, đây là mức điểm mà một học sinh, sinh viên đạt được trong thời gian học tập nhất định.
Cách tính điểm GPA của Việt Nam và các nước có vài điểm khác biệt. Hầu hết quốc gia như Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Singapore sẽ tính theo công thức sau đây:
Còn tại Việt Nam, điểm trung bình môn sẽ được phân chia và tính theo tỷ lệ sau:
Điểm trung bình = 10% chuyên cần + 30% điểm giữa kỳ + 60% điểm cuối kỳ.
Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm này tùy vào từng trường, từng môn học và đôi khi còn phụ thuộc vào từng giáo viên. Nên trước mỗi môn học, sinh viên nên hỏi kỹ giáo viên bộ môn về cách thức tính điểm để có chiến lược phù hợp nhằm đạt kết quả tốt.
Ngoài ra, cách quy đổi điểm GPA cũng là một phần sinh viên cần lưu ý, do nhiều trường ở Việt Nam vẫn đang sử dụng hệ thống tính điểm trên thang 10 để đánh giá kết quả của học sinh, sinh viên. Bảng quy đổi dưới đây sẽ giúp các bạn dễ dàng hơn trong việc ước lượng mức điểm GPA của mình.
Không phải tự nhiên mà câu chuyện "cải thiện GPA" luôn là chủ đề nóng mà các bạn học sinh, sinh viên quan tâm. Vì một sinh viên có điểm trung bình cao sẽ gặp rất nhiều thuận lợi. Ngoài việc giúp chứng tỏ năng lực học tập của bản thân, các bạn còn nhận được giấy khen, bằng khen hoặc thậm chí những khoản học bổng hỗ trợ sinh viên của nhà trường.
GPA cao cũng là điểm nhấn trong bộ hồ sơ xin việc hay hồ sơ xin học bổng du học. Bằng những kinh nghiệm cá nhân, tôi muốn chia sẻ một số mẹo nhỏ giúp điểm số GPA ấn tượng.
Ngồi bàn đầu
Tôi tin nhiều bạn rất bất ngờ và cho rằng "ngồi bàn đầu" chẳng phải mẹo gì. Tuy nhiên, tôi có thể kể tới một số lợi ích khi bạn ngồi tại các vị trí phía trên của lớp học.
Đầu tiên, bạn sẽ tới lớp đúng giờ hơn vì khi đã xác định ngồi trên, bạn bắt buộc phải vào lớp sớm. Tiếp theo, bạn sẽ tập trung hơn trong các tiết học. Thử nghĩ mà xem, ngay trước mặt bạn là thầy cô giáo, nên dù ít dù nhiều, bạn cũng sẽ nghiêm túc, trật tự và chăm chú hơn.
Lợi ích thứ ba là "peer pressure - áp lực đồng môn", thứ áp lực mà những người bạn ngồi xung quanh vô tình tạo ra. Khu vực bàn đầu luôn là nơi tập trung những "cao thủ" và ngồi cạnh họ giúp bạn chăm chỉ hơn. Bạn cũng có thể hỏi đáp và trao đổi thêm với họ mỗi khi chưa hiểu bài.
Đặc biệt, nếu thái độ ngoan ngoãn, chịu khó và tích cực xây dựng bài, bạn sẽ được các thầy cô để ý hơn và có cái nhìn thiện cảm hơn.
Bản thân tôi từ những năm đầu đại học đã áp dụng mẹo này để tự rèn luyện bản thân có thái độ nghiêm túc trong các tiết học. Việc ngồi đầu giúp tôi chăm chú nghe giảng hơn, chủ động hỏi đáp những vấn đề chưa rõ với giáo viên bộ môn.
Ngoài ra, môn nào cũng sẽ có điểm chuyên cần. Khi bạn luôn xuất hiện trong tầm mắt của các thầy cô giáo thì đây chính là một điểm ấn tượng hơn rất nhiều. Nó có thể không trực tiếp giúp bạn cải thiện GPA, nhưng lại gián tiếp giúp sự tập trung cũng như tâm lý học tập và thi cử của bạn tốt hơn.
Kết nối với anh chị khóa trên
Việc tạo những mối quan hệ tốt với các anh chị khóa trên cũng là cách gián tiếp giúp bạn có thể cải thiện kết quả học tập. Những người đi trước có nhiều kinh nghiệm và sẽ rất tuyệt vời nếu bạn được lắng nghe những chia sẻ của họ. Một số vấn đề bạn có thể tham khảo các anh chị như: cách tính điểm môn học, hình thức thi, khoanh vùng nội dung thi hay thậm chí cả những tài liệu ôn tập của môn học đó.
Tại sao những điều này lại quan trọng? Đối với tôi, chủ động trong học tập là cách để mình có thể đưa ra các phương án và chiến lược hiệu quả. Sẽ có những môn thiên về lý thuyết và có những thầy cô lại đòi hỏi nhiều vào phần thực hành. Có môn cuối kỳ ôn vẫn kịp, nhưng có môn lại phải tập trung và chăm chỉ ngay từ đầu. Vậy nên việc hỏi trước các anh chị sẽ cho mình nhiều thời gian hơn để chuẩn bị và đạt được kết quả tốt. Hơn nữa, việc kết nối này cũng giúp bạn có thêm người để chia sẻ và tham vấn, không chỉ việc học tập mà còn trong cuộc sống.
Vậy làm sao để tìm được những kết nối ấy? Tôi tin rằng mạng xã hội ngày nay đang trở thành một công cụ hữu hiệu để hỗ trợ vấn đề này. Thông qua các hội nhóm, các trang thông tin của trường, bạn hoàn toàn có thể tìm được những anh chị khóa trên của mình và bắt đầu gửi lời chào, lời mời kết bạn. Tôi cũng đã sử dụng mạng xã hội để xây dựng mạng lưới các mối quan hệ từ trước khi vào trường.
Bên cạnh đó, việc tham gia vào các câu lạc bộ cũng như các hoạt động đoàn thể cũng là cách rất tốt để bạn có thêm những kết nối mới. Thời đại học, tôi khá tích cực trong việc tham gia hoạt động, chẳng hạn câu lạc bộ tiếng Anh của trường, làm tình nguyện viên cho rất nhiều chiến dịch bảo vệ thiên nhiên và môi trường, qua đó quen biết nhiều anh chị khoá trên và cả những người bên ngoài trường. Nó không chỉ giúp GPA được cải thiện, mà còn giúp mình ghi điểm ở nhiều khía cạnh khác khi nộp hồ sơ xin học bổng học tập các chương trình ngắn hạn ở nước ngoài và cả Erasmus Mundus.
Xây dựng những mục tiêu cụ thể
Nghe có vẻ hơi sáo rỗng, nhưng thực tế mục tiêu sẽ tạo ra động lực để bạn phấn đấu và cố gắng nhiều hơn. Với tôi, mục tiêu ấy chính là du học. Do điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, cách duy nhất để tôi có thể biến ước mơ thành hiện thực chính là học tập và hoạt động thật tốt. Áp lực càng nhiều, động lực tạo ra càng lớn, nên đừng ngần ngại dành thời gian để suy nghĩ về những mục tiêu mà mình mong muốn.
Có được mục tiêu càng sớm, bạn càng có nhiều hơn thời gian để phấn đấu và nỗ lực. Tạo ra một lộ trình với nhiều bước nhỏ sẽ giúp bạn cảm nhận rõ ràng hơn hành trình mà mình đang theo đuổi. Tôi hay viết những mục tiêu ra một tờ giấy và dán nó ở góc học tập. Như một phép màu, mỗi lần nhìn vào tờ giấy đó, tôi lại "cháy" hơn và quyết tâm hơn bao giờ hết.
Hãy thử làm theo tôi, lấy giấy bút, việt thật to " GPA 3.7" và xem kết quả sẽ thế nào.
Dương Tâm ghi