Ngày 18/6, bác sĩ Mai Thị Anh Thư, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, cho biết mùa hè thời tiết nắng nóng, môi trường nhiều khói bụi, mọi người hay chơi thể thao, bơi lội..., tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn xâm nhập gây các bệnh về mắt. Tia cực tím từ ánh nắng mặt trời cũng tác động không nhỏ làm tổn thương tế bào thần kinh thị giác.
Đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ, còn gọi viêm kết mạc, là tình trạng viêm lớp màng trong suốt ở bề mặt nhãn cầu (lòng trắng). Đây là bệnh khá phổ biến và có thể lan rộng, bùng phát mạnh vào mùa hè do virus adeno, vi khuẩn hoặc các tác nhân gây dị ứng từ môi trường như gió, bụi, nước mưa.
Người bị đau mắt đỏ thường có các triệu chứng như mắt đỏ, chảy nước mắt, cộm rát, mắt bị sưng, có gỉ. Một số trường hợp có thể bị sốt nhẹ, ho, đau họng. Nếu để bệnh diễn biến nặng có thể gây viêm, loét giác mạc, thậm chí dẫn đến mù lòa.
Chắp và lẹo mắt
Chắp và lẹo là bệnh thường gặp ở bờ mi, đều có đặc điểm chung gây phù nề, đau nhức ở mi mắt nên nhiều người lầm tưởng hai bệnh này giống nhau. Thực tế, lẹo là do vi khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi gây viêm nhiễm cấp tính. Chắp xuất hiện do có sự tắc nghẽn ống tuyến nhờn của mi mắt, vị trí thường ở xa bờ mi hơn so với lẹo.
Người bị lẹo thường sưng đỏ vùng mi mắt, ấn thấy đau bờ mi, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, cảm giác có dị vật ở mắt. Còn dấu hiệu chắp là sưng, đau, đỏ mắt, khó chịu ở bề mặt kết mạc của mi.
Thực tế, chắp và lẹo là bệnh khá phổ biến, có thể tự khỏi nếu biết giữ gìn và vệ sinh đúng cách. Tuy nhiên, bệnh cũng rất dễ bị tái lại. Vì vậy, khi có dấu hiệu bị chắp, lẹo, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị đúng cách và kịp thời.
Người bệnh tuyệt đối không tự ý nặn mụn, tra thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ vì có thể gây tổn thương, để lại sẹo gây quặp mi.
Nguy cơ đục thuỷ tinh thể từ tia cực tím
Thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím (UV) từ mặt trời cộng thêm môi trường khói bụi ô nhiễm, khí thải chất độc hại làm tăng nguy cơ gây bệnh đục thủy tinh thể, thoái hoá điểm vàng ở mắt. Đây là cũng một trong những nguyên nhân gây giảm thị lực và mùa lòa phổ biến.
Giai đoạn sớm, bệnh có thể xuất hiện biểu hiện như mờ mắt, khó khăn khi lái xe vào ban đêm, cảm giác mắt như có màng che. Giai đoạn muộn có dấu hiệu rõ rệt hơn như màu sắc thủy tinh thể thay đổi, nhìn thấy chấm đen trước mặt, nhạy cảm hơn với ánh sáng, giảm nhận thức về màu sắc. Bệnh diễn tiến từ nhẹ đến nặng khiến người bệnh thường dễ bỏ qua, đến khi chuyển biến nặng mới đi khám.
Cách chăm sóc mắt mùa hè
Thường xuyên vệ sinh, giữ gìn tay sạch sẽ, tuyệt đối không dùng tay bẩn dụi mắt. Đeo kính râm khi ra ngoài nắng nóng, tránh khói bụi, hạn chế di chuyển từ 11 đến 15h, thời điểm tia cực tím cao nhất trong ngày.
Khi bụi bẩn bay vào mắt có thể chớp mắt vào cốc nước sạch, không nên dùng tay dụi, có thể gây xước giác mạc. Không sử dụng chung khăn mặt với người bị đau mắt đỏ, viêm kết mạc. Thường xuyên giặt sạch khăn mặt và phơi dưới ánh nắng mặt trời.
Nên tra rửa mắt bằng nước muối Nacl 0,9% hàng ngày. Uống nhiều nước để cung cấp đủ nước, độ ẩm cần thiết cho mắt. Có chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ dưỡng chất, dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi.
Không tắm ở khu vực nước biển, sông, suối, ao hồ bị ô nhiễm, mất vệ sinh. Khám mắt ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bệnh lý, không tự ý mua thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Khám định kỳ 6 tháng một lần là cách tốt nhất giúp sớm phát hiện những bệnh về mắt để điều trị kịp thời.
Lê Nga