Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, thời tiết mùa hè có độ ẩm không khí cao và trời đổ mưa sau chuỗi ngày nắng nóng, là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Thời tiết thất thường cũng khiến mọi người mệt mỏi, ăn uống kém, mất nước, sức đề kháng suy giảm, dễ mắc các bệnh dưới đây:
Viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản xuất hiện rải rác quanh năm, đỉnh điểm tháng 6, 7. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 30% và để lại di chứng thần kinh - vận động khoảng 50%. Thời gian điều trị kéo dài, chi phí lớn, khả năng hồi phục thấp.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, mùa hè thuận lợi cho muỗi Culex truyền bệnh phát triển. Sở Y tế Lào Cai hôm 13/7 cho biết đã ghi nhận 4 trường hợp từ 2 đến 12 tuổi dương tính với virus viêm não Nhật Bản. Trẻ sốt, co giật, hôn mê, trong đó có hai trường hợp không rõ tiền sử tiêm vaccine phòng ngừa.
BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, Phó trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM khuyến cáo viêm não Nhật Bản có thể để lại di chứng nặng nề, gây tử vong dù được phát hiện kịp thời.
"Trường hợp nặng có thể biến chứng lên não, khiến người bệnh mất khả năng học tập, trí nhớ và khả năng kiểm soát vận động cơ, động kinh. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi mắc viêm não Nhật Bản có nguy cơ biến chứng bại não cao. Tiêm vaccine là biện pháp phòng viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất", bác sĩ nói.
Viêm màng não do não mô cầu
Viêm màng não mô cầu là bệnh cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Triệu chứng của bệnh thường xảy ra đột ngột, gồm: sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, cổ cứng, có ban xuất huyết hình sao (tử ban), trạng thái lơ mơ và hôn mê.
Bệnh có thể xuất hiện quanh năm, dễ bùng phát vào thời điểm giao giữa mùa khô và mùa mưa (tháng 6 đến tháng 10). Viêm màng não do não mô cầu đứng thứ 6 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao tại Việt Nam.
Mỗi năm, cả nước ghi nhận khoảng 50 đến 100 ca viêm màng não do não mô cầu. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao trong vòng 24 giờ khi không điều trị kịp thời. Trường hợp được đưa tới cơ sở y tế sớm, điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong là 7 đến 10%. Nếu may mắn sống sót, 10 đến 20% người bệnh chịu di chứng vĩnh viễn về thần kinh và vận động như điếc, cắt chi, tổn thương dây thần kinh sọ não, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần, động kinh... Bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine.
Thủy đậu
Biến chứng viêm não, viêm màng não có thể xảy ra khi mắc thủy đậu, người lớn dễ gặp hơn trẻ nhỏ, tỷ lệ tử vong 9 đến 20%. Nếu may mắn được cứu sống sau khi biến chứng, người bệnh cũng phải đối diện di chứng như bại não, liệt tứ chi, động kinh...
90% người chưa có miễn dịch thủy đậu sẽ mắc bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua các vật dụng cá nhân nhiễm virus. Nhiều người lớn mắc thủy đậu biến chứng do chủ quan, cho rằng thủy đậu chỉ mắc ở trẻ em, vài ngày rồi khỏi.
"Người lớn có thể mắc thủy đậu và trở nặng do bệnh nền, phát hiện muộn hoặc chẩn đoán nhầm so với bệnh khác. Vì vậy, mọi người nên tiêm vaccine ngừa thủy đậu, tránh tâm lý chủ quan", BS Chính nói.
Hiện VNVC có các loại vaccine gồm: vaccine viêm não Nhật Bản Imojev (Pháp), Jevax (Việt Nam), JEEV (Ấn Độ). Trong đó, Imojev được tiêm cho người từ 9 tháng tuổi trở lên, vaccine JEEV và Jevax tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi, người lớn.
Vaccine Menactra (Mỹ) phòng 4 tuýp não mô cầu gồm A, C, Y ,W135, tiêm cho trẻ 9 tháng tuổi đến người 55 tuổi. Trẻ từ 9 đến 23 tháng tuổi sẽ tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng, từ 2 tuổi trở lên tiêm một mũi.
3 loại vaccine phòng bệnh thủy đậu gồm vaccine Varilrix (Bỉ) tiêm sớm cho người từ 9 tháng tuổi, vaccine Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi, người lớn.
Chi Lê
Vào 20h ngày 21/7, VNVC phối hợp với BVĐK Tâm Anh tổ chức Livestream: "Thủy đậu, viêm màng não, viêm não Nhật Bản và các bệnh nguy hiểm mùa hè" với sự tham gia của:
BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM
BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, Phó trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP HCM
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chương trình được phát sóng trên fanpage VnExpress.net, VNVC - Trung tâm tiêm chủng Trẻ em & Người lớn, website: vnvc.vn, tamanhhospital.vn, các kênh truyền thông khác.
Bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi TẠI ĐÂY.