Theo Womenshealth, thai phụ trẻ cảm thấy hoang mang khi liên tục buồn nôn và nôn. Tuy nhiên trên thực tế ốm nghén trong 3 tháng đầu thai kỳ là dấu hiệu tốt, giúp giảm đáng kể nguy cơ sảy thai. Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ phát hiện bà bầu trải qua buồn nôn và nôn ói có thể giảm được từ 50 đến 75% các nguy cơ sức khỏe của mẹ và con trong thời kỳ mang thai.
Khảo sát ghi nhận tình trạng ốm nghén rất phổ biến, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, dù là ngày hay đêm. Cứ 10 phụ nữ mang thai thì có đến 8 người bị ốm nghén. Nguyên nhân của tình trạng này là hàm lượng hormone thai kỳ được sản sinh ở mức cao nhất trong 3 tháng đầu tiên.
Các nghiên cứu đến từ Viện Sức khỏe quốc gia ở Maryland (Mỹ) phân tích dữ liệu từ gần 800 phụ nữ trong độ tuổi trung bình là 29, từng mang thai và sinh con. Những người tham gia được yêu cầu ghi lại các triệu chứng của họ thông qua nhật ký mang thai và bảng câu hỏi. Ghi nhận đến tuần thứ hai của thai kỳ, gần 18% có tình trạng buồn nôn mà không nôn, 2,7% nói rằng bị nôn. Đến tuần thứ 8, tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng 57,3% và 26,6%
Các nhà nghiên cứu chỉ ra có nhiều bằng chứng cho thấy buồn nôn là dấu hiệu của một thai kỳ khỏe mạnh. "Nghiên cứu của chúng tôi khẳng định buồn nôn và nôn không chỉ là dấu hiệu của mang thai mà còn liên quan tới việc giảm nguy cơ sảy thai", một thành viên trong nhóm nghiên cứu nói. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng: "Nếu một thai phụ không bị buồn nôn và nôn không có nghĩa là cô ấy sẽ bị sảy thai".
Thi Trân