Dưới đây là 10 điều cần lưu ý cho chị em chuẩn bị mang thai hoặc đang có bầu:
1. Khám tiền sản. Bác sĩ sẽ rà soát lại những vấn đề sức khỏe của bà mẹ tương lai để tránh ảnh hưởng đến em bé về sau. Chẳng hạn chị em đang sử dụng thuốc trị mụn, mang những bệnh lý cần điều trị lâu dài...
2. Tìm những yếu tố nguy cơ bệnh di truyền. Một vài bệnh lý di truyền từ cha mẹ sang con và các thế hệ sau nữa. Do đó cần lên kế hoạch để tìm bệnh và khả năng con có thể bị di truyền, điều trị được không…
3. Bổ sung vitamin mỗi ngày, quan trọng nhất là 0,4 mg acid folic trước và trong khi có thai. Acid folic là một dạng viatmin giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh cho trẻ. Để hiệu quả, cần bổ sung acid folic ít nhất một tháng trước khi có thai. Nếu đã từng mang thai bị dị tật ống thần kinh, mẹ cần duy trì uống acid folic trong suốt 3 tháng đầu thai kỳ.
4. Sử dụng thuốc một cách thận trọng. Không tự ý mua bất kỳ thuốc nào để uống nếu sắp và đang có thai. Hãy nói cho bác sĩ biết bạn có ý định hoặc đang có thai khi được chỉ định thuốc. Đừng nghĩ một loại thuốc nào đó vô hại. Một loại thuốc hôm nay được chứng minh an toàn trong thai kỳ thì ngày mai được công bố có thể ảnh hưởng tới sự phát triển, hành vi của trẻ sau này, chẳng hạn như loại thuốc dễ mua paracetamol.
5. Duy trì lối sống lành mạnh và cân nặng lý tưởng. Mẹ béo phì khiến trẻ có nguy cơ dị tật và bệnh tim bẩm sinh. Béo phì cũng làm giảm bớt độ chính xác lúc siêu âm tầm soát dị tật thai, nguy cơ bỏ sót những khiếm khuyết của thai nhi.
6. Không uống rượu. Rượu đã được chứng minh làm trẻ dị tật, chậm phát triển tâm thần. Hiện vẫn chưa có khuyến cáo về lượng rượu uống bao nhiêu và gây ảnh hưởng gì cho thai, do đó tốt hơn hết cứ tránh xa.
7. Phòng nhiễm trùng bằng cách tiêm ngừa, giữ cơ thể khoẻ mạnh, tránh nơi đông người, nơi có dịch bệnh lưu hành.
8. Tìm nhiểu về môi trường sống và một số tác nhân gây hại như chì, thủy ngân, tia xạ...
9. Tránh tắm hơi hay ngâm nước nóng quá lâu. Nếu tắm bồn nước nóng chỉ ngâm đến vai, nước không quá nóng và thời gian không quá 15 phút.
10. Khám thai định kỳ và thực hiện xét nghiệm tầm soát đầy đủ.
Bác sĩ Lê Tiểu My
Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức