Trong quá trình bé mọc răng, một loại enzym được phóng thích kết hợp với lượng nước bọt nhiều hơn thông thường khi bé nuốt vào gây ra tình trạng đi tướt. Đi tướt mọc răng không khác gì nhiều so với tiêu chảy. Một ngày có thể bé sẽ đi cầu đến 4, 5 lần, phân không sống, nhầy, không có bọt, có màu vàng hơi xanh hoa cà, hoa cải.
Nhiều bà mẹ đã truyền nhau bí quyết giúp con không bị đi tướt khi mọc răng bằng những mẹo nhỏ trong chế độ ăn uống. Theo đó, khi mang thai đến tuần thứ 32 và 33 các mẹ ăn món dạ dày lợn hầm tiêu. Như vậy, em bé sinh ra không bị đi tướt khi mọc răng và đường ruột tốt.
Theo lương y Lê Xuân Hải, Chủ tịch hội Đông y quận Đống Đa, Hà Nội, theo Đông y, dạ dày hầm tiêu rất phù hợp đối với những người tỳ vị hư hàn, tức cơ địa tiêu hóa kém, ăn hay đầy bụng, buồn nôn, đại tiện lỏng. Món ăn không phù hợp với người vị nhiệt tức dạ dày nóng hoặc viêm loét dạ dày thể nhiệt và thận âm kém, đại tiện táo. "Do vậy bà bầu nên hiểu về cơ thể mình trước khi ăn món này", lương y Hải khuyên.
Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch hội Đông y Việt Nam thì cho rằng mẹo dân gian này không có sách vở ghi lại, việc ăn dạ dày hầm tiêu ở tháng thai 32 là không có cơ sở. Theo ông, người mẹ vừa sinh nở xong thì cơ địa hàn, khi cho con bú dễ gây ra hiện tượng đi tướt ở trẻ. Ngoài ra, do chế độ ăn uống sinh hoạt hằng ngày, trẻ cũng có thể bị đi tướt. Cha mẹ cần phải nhận thức đúng về căn bệnh này để điều trị cho hợp lý.
Ông Hướng khuyên nếu trẻ bị đi tướt nhiều lần, các mẹ có thể ninh nước cà rốt nguyên vỏ cho bé uống hoặc nấu bột cho con ăn. Bé ăn uống xong, mẹ lấy bông tăm nhúng mật ong đánh miệng cho con sẽ tránh được đi tướt, bệnh hô hấp và tưa lưỡi. Chú ý, tránh cho bé ăn những vị tanh như tôm, cua, cá, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ vào những ngày này.
Linh Nga