"Nhà tôi có 3 anh em trai, bố mẹ có lương hưu - tuy không nhiều nhưng đủ đảm bảo cuộc sống ông bà.
Nhưng ngay từ bây giờ, khi thấy bố mẹ bắt đầu có dấu hiệu bệnh tật do tuổi tác, các anh em (được sự đồng thuận của vợ) đã thống nhất lập một quỹ chung, mỗi tháng trích nộp một số tiền vào quỹ để đề phòng cho biến cố của bố mẹ sau này".
Độc giả Nguyễn Trung Đức chia sẻ bản thân và các anh em đồng thuận lập quỹ tuổi già cho bố mẹ như trên. Chia sẻ này sau bài viết Nỗi niềm chăm sóc người già cuối đời của gia đình neo con.
Lấy ví dụ từ cuộc sống lúc về già của người Nhật, và chia sẻ câu chuyện người bố 90 tuổi ở riêng, độc giả Hằng nói: "Ở Nhật người già có nhiều hoạt động và không lấy con cháu làm niềm vui cũng như làm phiền con cháu, họ chấp nhận tuổi già, sinh lão bệnh tử, không trách móc. Họ chấp nhận điều ấy vì họ hiểu được hoàn cảnh và xã hội như thế.
Như gia đình tôi, ông tôi sống đến 90 tuổi, ở gần con trai cả, vẫn tự nấu ăn cho đến vài tháng trước khi qua đời, không cần con cái chăm sóc. Bố tôi vì công việc ở xa không về thăm ông thường xuyên được.
Bây giờ bố tôi cũng gần 90 tuổi, cũng sống một mình, không thích ở chung, chỉ ở gần con. Em trai tôi muốn ngủ lại với ông thì ông đuổi về vì sợ con dâu buồn. Ông ở một mình quen rồi, ban ngày thì uống trà với bạn hưu, tối uống sữa rồi tự ăn cơm. Sau đó nghe chèo, cải lương, những bài hát ngày xưa rồi vẫn làm thơ, chăm cây cối.
Tôi sau này về già cũng học giống ông, tự lo cho bản thân mình để đỡ vất vả cho con cháu".
Một số độc giả chia sẻ rằng bản thân lên kế hoạch chuẩn bị cho tuổi già, nhất là về mặt tài chính và tinh thần.
Độc giả Phan Thị Nam nêu: "Từ lúc còn khỏe, mỗi người nên chuẩn bị cho tuổi già của mình, chuẩn bị về tài chính, về tinh thần.
Bố mẹ tôi có lương hưu đủ sống, chúng tôi thuê giúp việc cho bố mẹ. Nhưng bố mẹ tôi vẫn chỉ mong có một đứa nó về ở với mình, chẳng đứa nào trong chúng tôi thu xếp về ở với bố mẹ được mà chỉ về thăm bố mẹ mỗi cuối tuần.
Chúng tôi bàn là bố mẹ bán nhà của bố mẹ để mua một căn nhà ở gần một trong chúng tôi, bố mẹ tôi không đồng ý vì ông bà ở đó lâu đã quá quen mọi thứ, cho nên bố mẹ tôi vẫn buồn, thỉnh thoảng cũng hờn mát các con".
Độc giả Plutino đúc kết: "Theo xu hướng phát triển xã hội hiện nay thì phương án tích lũy tài chính, dùng dịch vụ chăm sóc cuối đời ở viện dưỡng lão sẽ an toàn hơn là đẻ nhiều con để trông chờ sự chăm sóc, chu cấp.
Cơ quan quản lý cũng cần đưa ra hành lang pháp lý toàn diện, dịch vụ trọn gói, quy định quản lý kiểm soát và tiêu chuẩn cho nhà dưỡng lão, thành lập bộ phận quản lý kiểm soát tài sản của người già đảm bảo chi trả đúng mục đích và hưởng đúng dịch vụ theo tiêu chuẩn và cam kết.
Mọi người sẽ hạnh phúc hơn khi được sống trọn vẹn cuộc đời của mình và có ý thức tích lũy tài chính để chuẩn bị cho tuổi già không phải phụ thuộc hay làm phiền con cháu".
Hữu Nghị tổng hợp