Cuối năm 2023, bệnh tình của dì tôi trở nặng. Sau mấy lần đưa đi bệnh viện, bác sĩ đã "chạy" vì tuổi tác đã cao, hơn 80 tuổi nên hai người chị em bạn dì của tôi đành để mẹ ở nhà chăm sóc.
Tối mùng 5 Tết, gia đình người em vừa đi được nửa chặng đường lên thành phố chuẩn bị làm việc trở lại thì nhận điện thoại của chị gái: "Mẹ yếu, quay về gấp". Vợ chồng tay xách nách mang về đến nhà lúc nửa đêm, rạng sáng dì mất.
Có lẽ, câu chuyện về gia đình các chị em bạn dì của tôi là một minh chứng cho những khó khăn, thử thách mà các gia đình neo người phải đối mặt khi chăm sóc cha mẹ già cuối đời.
Chồng mất sớm, một mình dì bươn chải nuôi hai con gái ăn học. Khi các con trưởng thành, lập gia đình riêng, cô cả ở lại quê nhà chăm sóc mẹ già. Khi ngoài 70 tuổi, sức khỏe dì yếu, mắc nhiều bệnh mãn tính. Mỗi ngày, cô con cả phải lo lắng từ việc nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, đến việc vệ sinh cá nhân, cho mẹ ăn uống, uống thuốc.
Gánh nặng về tinh thần và thể xác đè nặng lên vai người phụ nữ nhỏ bé. Trong một năm cuối đời, bệnh tình dì trở nặng, chỉ nằm một chỗ, nhiều đêm, chị thức trắng bên mẹ, lo lắng khi nghe tiếng mẹ ho khan, tiếng mẹ rên rỉ vì đau nhức. Những lúc ấy, cô chỉ ước có ai đó để đồng hành và chia sẻ.
Nhưng vợ chồng người em gái lập nghiệp ở thành phố, chỉ về thăm nom một hai ngày rồi rời đi chứ không thể bỏ việc. Khó khăn về tài chính cũng là một gánh nặng lớn đối với cô chị cả. Thu nhập chính từ việc làm ruộng, bán rau củ quả tại chợ quê không đủ trang trải cho chi phí sinh hoạt, thuốc men cho mẹ.
Ngặt nỗi, cả năm chỉ quanh quẩn ở nhà cũng là lúc không có thu nhập, cô phải vay mượn anh em, bà con để trang trải cho những khoản chi phí bất ngờ. Dĩ nhiên cô em gái có gửi tiền về phụ, nhưng không thấm là bao.
Câu chuyện của hai người chị em bạn dì của tôi không phải là hiếm gặp ở Việt Nam ngày nay. Và trong tương lai, sẽ càng có nhiều trường hợp này hơn khi các gia đình hiện tại chỉ có một, hai con.
Ngày càng có nhiều gia đình neo người, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, phải đối mặt với những khó khăn, thử thách trong việc chăm sóc cha mẹ già cuối đời.
Khi kể câu chuyện, bạn bè tôi ai cũng khen cô chị cả hiếu thảo, trả hiếu nghĩa cho mẹ đầy đủ, không còn gì phải hối tiếc. Nhưng rồi ai cũng rơi vào trầm tư vì tương lai, họ cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh như vậy và không biết sẽ đối mặt, giải quyết thế nào.
Cuộc sống vốn dĩ đã nhiều gian nan, thử thách, nay lại càng thêm chông gai khi những người con phải bươn chải kiếm sống, xa quê hương lập nghiệp, để lại cha mẹ già yếu nơi quê nhà.
Để giải quyết vấn đề này, tôi nghĩ cần tiếp cận từ hai phía. Các gia đình tích lũy tài chính để cuộc sống bớt áp lực khi chăm sóc người già. Nhưng về mặt quản lý xã hội, tôi nghĩ cần có các chính sách phát triển các các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, nhất là chăm sóc giai đoạn cuối đời.