"Đây là cuộc chiến thông tin chống lại Azerbaijan và tin giả liên tục được xuất bản nhằm vào đất nước của chúng tôi", đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam ngày 16/12 cho biết và cáo buộc "một số tờ báo nổi tiếng đăng tin giả" và "bịa đặt" về nước này.
Trước đó, tờ Guardian đưa tin một số người đàn ông mặc quân phục Azerbaijan chặt đầu hai cụ ông không vũ trang tại làng Madatashen và Azokh vì không chịu rời khỏi làng. Video hành động sát hại các nạn nhân xuất hiện trên mạng xã hội vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan trước đó cũng phủ nhận người trong video là binh sĩ của họ và gọi các video là "hành động khiêu khích". Tổng công tố viên Azerbaijan thông báo rằng một cuộc điều tra đã kết luận "các video là giả mạo". Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nói coi tất cả cư dân Nagorno-Karabakh là công dân nước này, đảm bảo an sinh cho họ và cải thiện cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Armenia và Azerbaijan điều tra các video sát hại dân thường và xâm phạm thi thể. Tổ chức này đã sử dụng biện pháp xác minh kỹ thuật số để xác thực các video quay cảnh người mặc quân phục Azerbaijan sát hại dân thường, cùng vụ một lính biên phòng Azerbaijan bị cắt cổ, song chưa công bố kết quả.
Tổng công tố Azerbaijan hồi tháng 11 thông báo mở cuộc điều tra về tội ác chiến tranh của các bên tham gia xung đột tại Nagorno-Karabakh. Azerbaijan ngày 14/12 thông báo bắt hai binh sĩ vì tội xâm phạm thi thể lính Armenia và hai người khác vì đập phá bia mộ.
Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh bùng phát hôm 27/9. Sau hai tuần giao tranh dữ dội với nhiều thiệt hại về sinh mạng và khí tài, các bên tham chiến hôm 10/11 ký thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian.
Theo thỏa thuận, Armenia trả lại quyền kiểm soát một số khu vực cho Azerbaijan và Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới khu vực Nagorno-Karabakh.
Armenia và Azerbaijan nhiều lần đụng độ kể từ khi lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát Nagorno-Karabakh sau cuộc chiến vào thập niên 1990, khiến 30.000-40.000 người thiệt mạng.
Đợt giao tranh nổ ra hồi tháng 9 được nhận định là lần đụng độ đẫm máu nhất giữa Armenia và Azerbaijan sau hơn hai thập kỷ, khiến hơn 5.000 người thiệt mạng, gồm binh sĩ và dân thường.
Nguyễn Tiến