Viện nghiên cứu Kinh tế thuộc Đại học Kinh tế Azerbaijan tuần trước công bố báo cáo về thiệt hại khí tài mà quân đội Armenia hứng chịu trong cuộc giao tranh 44 ngày với Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh.
Theo báo cáo, quân đội Armenia đã triển khai nhiều khí tài đắt tiền tới tham chiến ở Nagorno-Karabakh, nhưng hứng chịu thiệt hại nặng nề trước hỏa lực của Azerbaijan, nước đã tận dụng tối đa ưu thế của các vũ khí hiện đại như tên lửa chống tăng và máy bay không người lái.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết quân đội nước này đã hạ 5 cường kích Su-25, 287 xe tăng, 69 xe chiến đấu bộ binh, 28 pháo tự hành 2S1 và 2S3, 315 pháo các loại, 63 súng cối, 7 bệ phóng S-300, 5 tổ hợp Tor, 103 tổ hợp pháo tự hành và hai tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật R-17. Quân đội Azerbaijan còn phá hủy 7 sở chỉ huy và 11 kho đạn của Armenia.
Ngoài số vũ khí bị phá hủy, quân đội Azerbaijan thu được 79 xe tăng, 47 xe chiến đấu bộ binh, 5 pháo tự hành 2S1 và 2S3, 37 pháo các cỡ, 62 súng cối, 5 pháo phòng không tự hành ZSU-23-4, hàng trăm súng phóng lựu và hàng nghìn vũ khí khác.
Tổng giá trị các khí tài Armenia bị phá hủy hoặc tịch thu trong giao tranh lên tới 4,008 tỷ USD, theo ước tính của các chuyên gia tại Viện nghiên cứu Kinh tế Azerbaijan. Thiệt hại này cao hơn cả ngân sách quốc gia 4 tỷ USD của Armenia, cao gấp 6 lần chi tiêu quân sự năm 2020 của nước này là 634 triệu USD.
Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan nổ ra ngày 27/9 khiến hàng nghìn người chết và khoảng 90.000 người phải di tản. Hai bên tham chiến đồng ý chấm dứt xung đột ngày 10/11 trong thỏa thuận do Nga làm trung gian. Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết gần 2.800 binh sĩ nước này thiệt mạng trong đợt giao tranh.
Theo một số báo cáo, một sư đoàn S-300 trên thị trường quốc tế có giá trị khoảng 250 triệu USD, còn mỗi cường kích Su-25 có giá khoảng 12 triệu USD.
366 xe tăng bị Azerbaijan tiêu diệt hoặc thu giữ chiếm khoảng 70% trong số 529 chiếc trong biên chế quân đội Armenia.
Armenia chưa bình luận về thông tin thiệt hại mà quân đội nước này hứng chịu.
Armenia và Azerbaijan nhiều lần đụng độ kể từ khi lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát Nagorno-Karabakh sau cuộc chiến vào thập niên 1990, khiến 30.000-40.000 người thiệt mạng. Đợt giao tranh nổ ra hồi tháng 9 được nhận định là lần đụng độ đẫm máu nhất giữa Armenia và Azerbaijan sau hơn hai thập kỷ.
Nguyễn Tiến (Theo CaspianNews)